TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng nào phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông!
Đăng ngày: (14-09-2015); Số lượt đọc: 5266
Trong thời gian qua các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã đã tích cực trong việc triển khai chủ trương phân cấp quản lý đầu tư của tỉnh, sử dụng vốn đầu tư tập trung cho các công trình thiết yếu, ưu tiên vốn cho các dự án phục vụ an sinh xã hội

Trong thời gian qua các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã đã tích cực trong việc triển khai chủ trương phân cấp quản lý đầu tư của tỉnh, sử dụng vốn đầu tư tập trung cho các công trình thiết yếu, ưu tiên vốn cho các dự án phục vụ an sinh xã hội. Các Ban quản lý dự án (BQLDA) đã nỗ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã có tác động hỗ trợ tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn bộc lộ không ít những hạn chế như: Việc thành lập quá nhiều các BQLDA, bộ máy tổ chức không thống nhất, gồm nhiều loại hình đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các BQLDA. Cán bộ làm việc tại các BQLDA chủ yếu mang tính chất kiêm nhiệm, không đúng chuyên môn, một số cán bộ được tuyển dụng trình độ chuyên môn yếu không đáp ứng được yêu cầu. Thực tế cho thấy, với mỗi dự án chủ đầu tư lại thành lập một BQLDA do đó số lượng các BQLDA tương đối lớn, trong khi đó nhân lực chủ chốt của BQLDA thường được điều động, bổ nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước. Phần lớn lãnh đạo các BQLDA là cán bộ công chức chứ không phải là chuyên gia về lĩnh vực chuyên ngành thiết kế, thẩm định, chuyên gia đấu thầu… do đó chất lượng nhân lực của các BQLDA thấp. 

Nhằm khắc phục những bất cập trong việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, đã được Quốc hội Khóa XIII, thông qua ngày 18/6/2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, ngày 18/6/2015 của Chính phủ, về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã quy định cụ thể về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên việc lựa chọn mô hình nào để phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Đắk Nông là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ. Bài viết này tôi xin đề xuất một mô hình quản lý để cùng trao đổi thảo luận:

Về hình thức tổ chức quản lý: Theo quy định, các địa phương có thể chọn mô hình BQLDA chuyên ngành hoặc khu vực, nhưng với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh ta còn chưa phát triển, số lượng dự án còn ít thì việc lựa chọn duy nhất mô hình BQLDA chuyên ngành là phù hợp. Ngoài các dự án có quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt, dự án áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản, dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng, dự án bí mật nhà nước thì chủ đầu tư quyết định thành lập BQLDA một dự án; các dự án cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ (tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng), dự án có sự tham gia của cộng đồng hoặc dự án có tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng do UBND cấp xã làm chủ đầu tư thì chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án nhưng phải ký kết hợp đồng với BQLDA cấp huyện hoặc cấp tỉnh để thực hiện quản lý dự án; các dự án còn lại do các BQLDA chuyên ngành cấp tỉnh hoặc các BQLDA cấp huyện quản lý.

Về số lượng các BQLDA chuyên ngành, gồm: Trước mắt, ở cấp tỉnh thành lập 3 BQLDA chuyên ngành là: (1) Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông: quản lý đầu tư các dự án đường tỉnh lộ, đường liên huyện; đường trục chính đô thị của huyện, thị xã mới chia tách; các đường giao thông liên xã từ 3 xã trở lên; (2) Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: quản lý đầu tư các dự án nông, lâm nghiệp, thủy sản bao gồm: các dự án thủy lợi có quy mô tưới 50 ha lúa nước hoặc quy đổi tương đương trở lên, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (không bao gồm các dự án xây dựng trụ sở làm việc); (3) Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp: quản lý đầu tư các trụ sở làm việc các cơ quan Đảng, đoàn thể, quản lý nhà nước cấp tỉnh; các công trình trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dân tộc nội trú; bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm dân số từ cấp huyện đến cấp tỉnh; các công trình văn hóa, thể thao, du lịch; các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp. Về lâu dài cần nghiên cứu, xem xét thành lập BQLDA cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể về hình thức tổ chức quản lý.

Ở cấp huyện kiện toàn và củng cố các BQLDA cấp huyện như hiện nay.

Về chức năng, nhiệm vụ: BQLDA chuyên ngành cấp tỉnh và các BQLDA cấp huyện là tổ chức sự nghiệp kinh tế có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về các hoạt động của mình; thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư theo phân cấp hoặc ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh/Chủ tịch UBND cấp huyện để quản lý thực hiện dự án; quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn thành trong trường hợp được giao.

   Về năng lực chuyên môn: Ngoài các quy định về năng lực ngành nghề đối với giám đốc quản lý dự án, các cá nhân đảm nhận chức danh tại các phòng, ban điều hành dự án của các BQLDA chuyên ngành theo quy định của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, ngày 18/6/2015; về phía địa phương khi xem xét bổ nhiệm các Trưởng ban/Giám đốc các BQLDA chuyên ngành cấp tỉnh hoặc Giám đốc các  BQLDA cấp huyện cũng cần có quy định cụ thể về trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm công tác.

File đính kèm:
Nguyễn Xuân Tuấn
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 96
ngày hôm nay 2921
ngày hôm qua 3737
tuần này 24566
tất cả 283149