TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Một số thách thức trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây nguyên
Đăng ngày: (20-05-2015); Số lượt đọc: 744
Một số thách thức trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây nguyên

Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có tiềm năng và lợi thế to lớn về nhiều mặt để phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khoáng sản và du lịch sinh thái, văn hóa. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, hiện vẫn là vùng kinh tế xã hội khó khăn của cả nước và phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tuy mỗi tỉnh của vùng Tây Nguyên có những đặc thù và tính chất khác nhau, và đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức phức tạp, nhưng có thể khái quát một số thách thức chính là:

            - Nhìn chung, toàn vùng và đa phần các tỉnh trong vùng Tây nguyên còn nghèo, trình độ phát triển kinh tế thấp, chỉ số GDP/bình quân đầu người của vùng thấp, chỉ đạt khoảng 80% so với toàn quốc, tiềm lực kinh tế mạnh nhất của vùng Tây Nguyên là thu được nguồn ngoại tệ tương đối lớn thông qua hoạt động xuất khẩu nông sản và các sản phẩm chế biến liên quan, tuy nhiên phần lớn giá trị gia tăng trong xuất khẩu lại thuộc về các tập đoàn đa quốc gia hoặc công ty xuất nhập khẩu ở các trung tâm kinh tế lớn, nguồn ngoại tệ còn lại của vùng vẫn chưa giúp cho kinh tế của vùng bắt kịp với các vùng khác.

            - Cơ sở, kết cấu hạ tầng của vùng Tây nguyên còn rất yếu kém về tất cả các mặt như: Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, giao thông liên tỉnh, liên vùng kinh tế còn rất khó khăn (giao thông liên vùng mới tạm ổn gần đây do Quốc lộ 14 gần hoàn thành), giao thông cấp huyện và cấp cơ sở, giao thông liên vùng sản xuất còn thiếu toàn diện; Hệ thống lưới điện chưa phân bố hết tất cả các xã, thôn, bon như các vùng khác; Hệ thống thủy lợi, cấp nước, thoát nước mặc dù được đầu tư nhưng còn thiếu, chỉ mới cơ bản đáp ứng thủy lợi ở các vùng sản xuất chính, cấp thoát nước ở các đô thị lớn. Yếu kém về kết cấu hạ tầng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và toàn vùng Tây nguyên.

            - Thu hút nguồn lực đầu tư còn yếu, nguồn vốn đầu tư phát triển chủ yếu là vốn đầu tư ngân sách Trung ương hỗ trợ, nội lực của các tỉnh còn yếu, thu hút nguồn vốn ODA thấp nhất so với các khu vực toàn quốc, nguồn vốn đầu tư tư nhân thì chủ yếu là các dự án nhỏ, chưa có nhiều các dự án lớn, có hiệu quả đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn chung, các hoạt động đầu tư thực hiện hạn chế trên các  lĩnh vực thế mạnh sẵn có, hàm lượng công nghệ thấp như nông nghiệp, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản. Các tỉnh và khu vực Tây nguyên vẫn chưa là điểm đến thu hút đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài (thu hút nguồn vốn FDI của khu vực cũng thấp nhấp toàn quốc), một số khu, cụm công nghiệp đã được xây dựng tại các tỉnh nhưng hầu hết tỉ lệ lấp đầy thấp.

            - Tây nguyên có vị trí địa lý thuận lợi để liên kết phát triển kinh tế, giao thương; Các tỉnh đều nằm trong Tam giác phát triển CLV, tiếp giáp Lào, Campuchia; thuộc hành lang kinh tế Đông Tây, thuận lợi trong việc kết nối các vùng kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, tuy nhiên một trong những mắt xích để phát triển liên kết vùng là phát triển các khu kinh tế cửa khẩu vẫn còn rất chậm. Toàn vùng có 10 cửa khẩu [1], nhưng các hoạt động giao thương  tại các cửa khẩu với Campuchia và Lào rất thưa thớt, đến nay chưa có giải pháp hiệu quả để thúc đẩy nguồn động lực phát triển rất quan trọng này.

            - Các tỉnh Tây nguyên thuộc những địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù thời gian gần đây công tác giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Do các khó khăn về cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn lực, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đa dạng về văn hóa nên giảm nghèo không bền vững, kết hợp với khó khăn trong việc hưởng thụ các dịch vụ công về y tế, giáo dục, lao động…tạo nên những thách thức rất lớn về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của các tỉnh vùng Tây nguyên.

            - Tây nguyên là vùng có trữ lượng tài nguyên rừng lớn nhất cả nước nhưng đang bị suy giảm nghiêm trọng rừng và tài nguyên rừng, tỷ lệ che phủ rừng suy giảm do chặt phá rừng, quản lý tài nguyên rừng thiếu hiệu quả, do ảnh hưởng của việc dân di cư tự do, tốc độ đô thị hóa, đầu tư các dự án lâm nghiệp, thủy điện…đang đặt ra cho các địa phương vùng Tây nguyên những thách thức không hề nhỏ trong việc duy trì tỉ lệ che phủ rừng, phát triển bền vững.

            - Tình hình an ninh, chính trị trong vùng Tây nguyên luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tình hình biên giới, phân giới cắm mốc, diễn biến căng thẳng và nhạy cảm. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn mặc dù được ngăn chặn, phòng chống nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Kết hợp với tình hình kinh tế xã hội, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng còn khó khăn, một số yếu tố tiềm ẩn về mâu thuẫn văn hóa, bảo tồn bản sắc dân tộc, sự lôi kéo, dụ dỗ, kích động của các tổ chức nước ngoài…tạo nên rất nhiều nguy cơ gây mất ổn định chính trị, an ninh.

            Trong thời gian qua, dân di cư tự do đến các tỉnh Tây nguyên diễn biến rất phức tạp, làm phá vỡ quy hoạch kinh tế xã hội. Trong khi đó, các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn về nhiều mặt của vấn đề dân tộc để lôi kéo, kích động gây mất ổn định. Mặt khác, do khó khăn kinh tế xã hội trong nội tại trong vùng đồng bào dân tộc di cư tự do và ít hiểu biết về pháp luật nên thường xảy ra mất an ninh nông thôn, kèm theo là các vấn nạn về chặt phá rừng, lấn chiếm, xâm canh đất rừng, tranh chấp đất đai với doanh nghiệp đang đầu tư dự án nông, lâm nghiệp.

Qua đánh giá thách thức của vùng Tây nguyên nói chung, những khó khăn của tỉnh Đắk Nông nói riêng, nhận định tương quan của vùng Tây nguyên so với cả nước, tương quan của tỉnh Đắk Nông so với các tỉnh trong khu vực và toàn quốc, thiết nghĩ các tỉnh vùng Tây nguyên cần kiến nghị Trung ương xem xét, sớm ban hành cơ chế ưu đãi đặc thù cho vùng Tây nguyên có điều kiện phát triển, trong đó xem xét tất cả các yếu điểm, thách thức của vùng Tây nguyên về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng để trong thời gian trung hạn sắp tới, vùng Tây nguyên có thể cơ bản khắc phục những yếu điểm, cơ bản bắt kịp trình độ phát triển của cả nước./.



[1] Trong đó có 04 cửa khẩu quốc tế: Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai), Bu Prăng (Đắk Nông), Đắk Ruê (Đắk Lắk); 01 cửa khẩu quốc gia là Đắk Per (Đắk Nông); 05 cửa khẩu phụ Tà Bộp, Tà Dạt, Mô Rai, Hồ Le (Kon Tum), Sa Thầy (Gia Lai).

File đính kèm:
Đinh Ngọc Hiếu - DPI Đắk Nông
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 97
ngày hôm nay 2920
ngày hôm qua 3737
tuần này 24565
tất cả 283148