TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Xây dựng nông thôn mới không thể chỉ chạy theo thành tích. Kỳ 2: Giải pháp và kiến nghị.
Đăng ngày: (30-01-2015); Số lượt đọc: 269
Xuất phát từ những thực trạng trên, để Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới thực sự là chương trình của người dân nông thôn và do người dân thực hiện với sự đồng lòng, quyết tâm

Xuất phát từ những thực trạng trên, để Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới thực sự là chương trình của người dân nông thôn và do người dân thực hiện với sự đồng lòng, quyết tâm; trong khuôn khổ bài viết này tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, làm cho người dân hiểu và thấy được ý nghĩa của Chương trình là vì nhân dân; Chương trình không đơn thuần là kế hoạch hành động mà còn là một cuộc cải tổ về ý thức “đã làm là được” cho người dân. Mục tiêu của Chương trình là vì cuộc sống tốt đẹp cả về vật chất và tinh thần cho cả cộng đồng chứ không vì một cá nhân đơn lẻ, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Đây là một công việc khó, tuy nhiên nó có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của Chương trình. Lịch sử hào hùng của dân tộc đã chứng minh, có rất nhiều phong trào như “gió đại phong”,  "Sóng duyên hải", "Cờ ba nhất", “thanh niên ba sẵn sàng”, "Phụ nữ ba đảm đang” … thành công vang dội, đã làm nên một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc; vì vậy chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ thành công.

Việc xây dựng nông thôn mới cần một nguồn lực lớn, tuy nhiên ngân sách nhà nước hạn chế, ngân sách các địa phương cũng khó khăn, do vậy cần sự hỗ trợ của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp. Do vậy, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong toàn xã hội nhằm tạo ra ý trí mạnh mẽ của người dân và cộng đồng cùng với quá trình hợp tác chặt chẽ để tạo ra nguồn lực tổng hợp phát triển nông thôn.

Thứ hai, trao quyền chủ động cho người dân: Người dân và cộng đồng thôn, bon sẽ tự lựa chọn dự án để triển khai thực hiện[1]; các tiêu chí được ưu tiên lựa chọn phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân, điều kiện sống của người dân được cải thiện. Trong quá trình thiết kế dự án phải có sự tham gia của người dân, người dân sẽ tự triển khai và giám sát dự án, chính quyền địa phương chỉ được quản lý mà không có quyền can thiệp. Như vậy người dân sẽ phải tự lực phấn đấu để thay đổi cuộc sống của chính mình, bên cạnh đó khi nguồn lực có hạn người dân phải biết huy động từ cộng đồng

[2] để đạt hiệu quả cao nhất của dự án.  

Thứ ba, cần coi trọng vai trò của công tác cán bộ cơ sở: Cán bộ cơ sở vừa giữ vai trò quan lý nhưng đồng thời cũng là người gần gũi nhất với người dân, do vậy kết quả của Chương trình phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của cán bộ cơ sở. Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó nội dung trước tiên cần tập trung bồi dưỡng là nhấn mạnh tới sự cống hiến và nêu gương cho quần chúng, tiếp đến là các kỹ năng về thảo luận nhóm, khuyến nông, khuyến lâm … Việc lựa chọn cán bộ cơ sở cũng là khâu quan trọng, phải là người có uy tín, được nhân dân tín nhiệm. Với đặc điểm dân trí thấp của người dân nông thôn, đặc biệt là người dân vùng cao đã quen với cách làm “cầm tay chỉ việc” thì người cán bộ cơ sở không chỉ cần có phẩm chất đạo đức tốt, biết tập hợp quần chúng nhân dân mà còn phải biết làm kinh tế giỏi. Lấy ví dụ như một ông Bí thư chi bộ mà nghèo nhất so với các đảng viên của chi bộ thì nói về phát triển kinh tế sẽ rất khó, do vậy phải lựa chọn được những cán bộ giỏi toàn diện.

Thứ tư, tạo ra sự cạnh tranh và tôn vinh những đơn vị xuất sắc: Để làm cơ sở cho việc đánh giá, trước hết cần tạo ra một tiêu chuẩn phấn đấu công bằng. Cần điều chỉnh các chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, địa phương như đã trình bày ở trên.

Cách làm của chúng ta hiện nay là phấn đấu theo kiểu dàn hàng ngang cả nước cùng xây dựng nông thôn mới mà không có cơ chế khuyến khích những đơn vị xuất sắc. Do vậy, sau mỗi đợt sơ kết, cần tiến hành phân loại để có cơ chế khuyến khích các địa phương thực hiện tốt, đồng thời có chính sách hỗ trợ những địa phương còn khó khăn[3].

Thứ năm: rút ra những bài học sau 3 năm thực hiện Chương trình: (1) cần thể hiện mục tiêu của Chương trình rõ ràng, dễ hiểu và dễ nhớ. Nhiều người dân hiện nay chỉ biết đến tên của Chương trình là “nông thôn mới”, tuy nhiên hiểu cụ thể nông thôn mới là cái gì? thì không hẳn ai cũng biết. Bên cạnh đó, với 19 tiêu chí hiện nay, không phải cán bộ cơ sở nào cũng có thể nhớ hết tên chứ chưa nói đến người nông dân, (2) kiên trì thay đổi nhận thức của người dân và cán bộ cơ sở. Đây là việc làm khó, nhất là trong giai đoạn hiện nay nhiều người dân đang có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Một khi người dân đã quyết tâm sẽ tác động không chỉ đến vùng nông thôn mà còn có hiệu ứng lan tỏa đến người dân thành thị và công nhân sẵn sàng tham gia các chương trình nhằm cải thiện cuộc sống của chính mình, (3) Các chính sách phải rõ ràng, cụ thể và sớm đi vào cuộc sống. Thời gian qua, mặc dù đảng, nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tuy nhiên những chính sách này còn chung chung, việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, chính sách ban hành không đi kèm với nguồn lực, cơ chế thực hiện chồng chéo nên hiệu quả mang lại còn thấp. Do vậy cần tiến hành rà soát, điều chỉnh lại các chính sách cho phù hợp.



[1] Lập kế hoạch từ cơ sở, thay cho việc chạy theo thành tích thực hiện theo các chỉ tiêu không đúng với nhu cầu ưu tiên của người dân.

[2] Tự bỏ công ra làm, hiến đất làm đường, làm trường học …

[3] Kinh nghiệm trong việc thực hiện phong trào làng mới ở Hàn Quốc cho thấy: Thời gian đầu, Chính phủ hỗ trợ xi măng cho tất cả các làng; những năm sau những làng được đánh giá triển khai tốt thì được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn. Chính phủ cũng phân loại các làng theo mức độ phát triển và có sự hỗ trợ khác nhau với mỗi làng dựa vào trình độ phát triển với ba mức “Cơ sở, Tự lực và Tự lập”. Những làng thăng hạn sẽ được Chính phủ thưởng và chỉ sau 3 năm phân loại làng (1974-1976), số làng thuộc nhóm cơ sở (nhóm nghèo nhất) đã giảm từ 53,1% xuống còn 0,9%.

 

File đính kèm:
Nguyễn Xuân Tuấn - Sở KH&ĐT
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 87
ngày hôm nay 3024
ngày hôm qua 3737
tuần này 24669
tất cả 283252