TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Những tồn tại trong việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư và kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các sản phẩm chủ lực tỉnh Đắk Nông.
Đăng ngày: (17-10-2014); Số lượt đọc: 340
Cùng với việc tận dụng lợi thế về đất đai, tài nguyên, khí hậu; trong những năm qua tỉnh Đắk Nông đã tích cực ban hành các chính sách nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm mà tỉnh có lợi thế so sánh

Cùng với việc tận dụng lợi thế về đất đai, tài nguyên, khí hậu; trong những năm qua tỉnh Đắk Nông đã tích cực ban hành các chính sách nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm mà tỉnh có lợi thế so sánh. Do điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, trong khi đó thế mạnh của tỉnh chủ yếu là đất đai và tài nguyên khoáng sản chưa được đầu tư khai thác. Do vậy để phát huy những tiềm lực nội tại của địa phương, các chính sách của tỉnh chủ yếu hướng vào việc thu hút các nguồn lực bên ngoài thông qua hoạt động thu hút đầu tư.

Nhìn chung các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã có những tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều dự án đã triển khai đi vào hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được các chính sách còn bộc lộ một số hạn chế và thiếu tính bền vững, cần được tháo gỡ để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, chịu sự cạnh tranh về chính sách ưu đãi của các tỉnh lân cận và các tỉnh khác có có điều kiện tương đồng nhưng có tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực mạnh hơn; một số tỉnh còn lợi thế về hạ tầng đồng bộ, thị trường phát triển, có sự tương hỗ từ các ngành khác

Thứ hai, tỉnh thiếu nguồn lực tài chính và cơ chế đảm bảo thực hiện các cam kết ưu đãi; ngoài nguồn ngân sách do trung ương cấp thì nguồn thu ngân sách trên địa bàn còn tương đối hạn hẹp do số lượng doanh nghiệp ít và phần lớn đang trong giai đoạn hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất... Việc tổ chức thực hiện quy trình thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc kéo dài, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa phát huy tác dụng

Thứ ba, tính khả thi của một số chính sách chưa cao, chưa đảm bảo được tính hiệu quả trong dài hạn, đồng thời chưa được hỗ trợ bởi các giải pháp đồng bộ hiệu quả khác như đất đai, nhân lực, thủ tục hành chính, hạ tầng giao thông...

Thứ tư, cơ chế thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư còn chưa thực sự minh bạch và hiệu quả. Thiếu các các văn bản hướng dẫn thực thi chính sách như: các mức ưu đãi, thời điểm hưởng ưu đãi, thủ tục để được hưởng ưu đãi...

Thứ năm, trình độ năng lực chuyên môn lẫn tinh thần trách nhiệm trong việc hướng dẫn và giải quyết các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư của một số cán bộ công chức, đặc biệt ở cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài những hạn chế trên, việc thực hiện các chính sách trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng bởi những đặc thù như: hạn chế về nhận thức chính sách pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số…

Nhằm tăng triển các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm mà tỉnh có lợi thế so sánh; bên cạnh những cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành, rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương ưu tiên cho các tỉnh Tây nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Thứ nhất, đối với nhóm sản phẩm nông nghiệp.

Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng có nhiều ưu thế về các sản phẩm cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao với các sản phẩm đặc trưng và chủ lưc như: cà phê, cao su, hồ tiêu; tuy nhiên để Tây Nguyên tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh về sản xuất các sản phẩm cây công nghiệp, đòi hỏi Trung ương phải có các chính sách đặc thù đối với vùng:

- Duy trì đa dạng sinh thái, chống biến đổi khí hậu: việc duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; đảm bảo nguồn nước có ý nghĩa quyết định không chỉ đối với Tây Nguyên mà ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh lân cận. Với tỉnh Đắk Nông, việc duy trì và đảm bảo nguồn nước không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước của các tỉnh thuộc lưu vực Sông Đồng Nai, trong đó có Tp Hồ Chí Minh.

Do vậy Trung ương cần quan tâm có chính sách ưu tiên bố trí ngân sách đảm bảo cho việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, xây dựng hồ đập và các công trình thủy lợi khác nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

- Chính sách hình thành vùng sản xuất chuyên canh: Tây Nguyên được đánh giá là vùng sản xuất chuyên canh về các sản phẩm cây công nghiệp; các tỉnh đều có quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh. Tuy nhiên việc quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập dẫn tới việc phân bố các loại cây trồng chưa tập trung. Mặc dù có quy hoạch, tuy nhiên nguồn lực có hạn nên tỉnh không đủ khả năng hỗ trợ hết cho các hộ dân, mặt khác đất đai thuộc quyền sử dụng của người dân dẫn đến tình trạng người dân phát triển cây trồng một cách tự phát không thể kiểm soát.

Việc xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh có nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến. Tuy nhiên với diện tích rộng lớn, trong đó chủ yếu là các cây công nghiệp dài ngày, việc hình thành các vùng chuyên canh cần nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ lớn. Do vậy cơ chế, chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa là một trong những chính sách Tây nguyên đang rất cần.

- Trợ giá nông sản: trong thời gian qua tại các tỉnh Tây Nguyên đang diễn ra tình trạng người dân chặt bỏ cây cao su chuyển sang các cây trồng khác có giá trị hơn; một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là giá mủ cao su xuống thấp nhưng không được trợ giá. Trong khi các sản phẩm nông sản khác được trợ giá, Trung ương cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các sản phẩm cây công nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định cho người dân

- Hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến: Mặc dù có thế mạnh về sản phẩm cây công nghiệp, tuy nhiên sản phẩm chủ yếu được xuất bán dưới dạng thô nên giá trị kinh tế thu được rất thấp. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời góp phần ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, Trung ương cần có chính sách ưu đãi đặc thù, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tại các tỉnh Tây Nguyên.

Thứ hai, đối với nhóm sản phẩm công nghiệp.

Phát triển công nghiệp khai khoáng bôxit và luyện nhôm không chỉ là định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông mà còn là chiến lược phát triển của cả nước; trong đó tỉnh Đắk Nông là một trong những địa bàn chính. Để bôxit thực sự trở thành sản phẩm chủ lực, không chỉ của Đắk Nông mà của toàn vùng Tây Nguyên và cả nước đòi hỏi Trung ương cần có các chính sách đặc thù, đặc biệt là giai đoạn đang hình thành và phát triển các nhà máy.

- Cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với Khu công nghiệp Nhân Cơ, trước mắt Trung ương cần hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy luyện nhôm, có cơ chế đặc thù về giá điện đối với công nghiệp luyện nhôm của tỉnh.

- Là một vùng kinh tế của cả nước, tuy nhiên hệ thống giao thông chính của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào Quốc lộ 14 đang được đầu tư xây dựng (tiến độ triển khai rất chậm). Phát triển giao thông là cơ sở  quan trọng để phát triển kinh tế, trong khi đó hệ thống giao thông hiện nay của các tỉnh Tây Nguyên đang xuống cấp trầm trọng; do vậy Trung ương cần ưu tiên triển khai trước các dự án đã được quy hoạch cho vùng Tây Nguyên; xem xét việc xây dựng tuyến đường cao tốc nối Tây Nguyên với các tỉnh thuộc khu vực Miền Trung và nối Tây Nguyên với các tỉnh Miền Đông Nam Bộ.

- Cơ chế đặc thù đối với các ngành công nghiệp phụ trợ bôxit: công nghiệp khai khoáng bôxit và luyện nhôm khi đi vào hoạt động đòi hỏi nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác đi kèm; trong điều kiện tỉnh còn khó khăn, các ngành công nghiệp này hiện nay chưa có, do vậy để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ khai khoáng bôxit và luyện nhôm, tỉnh Đắk Nông rất cần Trung ương quan tâm xem xét ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ địa phương./.

File đính kèm:
Nguyễn Xuân Tuấn - Sở KH&ĐT
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 143
ngày hôm nay 1509
ngày hôm qua 3398
tuần này 26552
tất cả 285135