TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Xây dựng và thực hiện mô hình Tổ hợp tác gắn với công tác kết nghĩa buôn bon trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Đăng ngày: (17-10-2014); Số lượt đọc: 514
Tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên là 6.514,38 km2; dân số đến nay gần 530.000 người với 40 dân tộc cùng sinh sống

Tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên là 6.514,38 km2; dân số đến nay gần 530.000 người với 40 dân tộc cùng sinh sống (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,07%), 90% dân cư sống ở vùng nông thôn; 777 thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố, trong đó có 137 bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được các cấp, ngành của tỉnh tích cực thực hiện; tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh vẫn chiếm 15,64%, cận nghèo chiếm 8,06% (trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 26,4%). Quá trình thực hiện mục tiêu Chương trình xóa đói, giảm nghèo của tỉnh còn không ít khó khăn, thách thức do tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn cao; số hộ thoát nghèo chưa thật sự vững chắc; số hộ cận nghèo tương đối lớn, khả năng tái nghèo, nghèo mới cao; dân di cư tự do gia tăng, mà đa số là dân nghèo của các tỉnh phía Bắc

Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2008 – 2020 và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của Chính phủ, loại hình kinh tế hợp tác giản đơn là Tổ hợp tác sản xuất đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, từng bước định hình, phát triển và đi vào thực tế với người dân. Dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi, mô hình kinh tế Tổ hợp tác là mô hình đơn giản và phù hợp nhất với trình độ sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đây là cách mà nhóm những người lao động “yếu thế”, “dễ bị tổn thương” có điều kiện cùng nhau thay đổi phương thức, sử dụng có hiệu quả các tư liệu sản xuất để thoát khỏi đói nghèo và tiến lên làm giàu. Trong những năm qua, hoạt động của các Tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả ban đầu, thu hút, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, phần lớn các Tổ hợp tác còn thiếu tính bền vững, hoạt động mang tính thời vụ, tự phát, việc triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm.

Nhằm đánh giá tình hình hoạt động của các Tổ hợp tác từ khi triển khai các Nghị quyết của Trung ương và Nghị định số 151/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 của Chính phủ, về tổ chức hoạt động của Tổ hợp tác; Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 02/7/2014 chỉ đạo, hướng dẫn, vận động thành lập các mô hình Tổ hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Tuy nhiên để có thể đưa ra các giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình Tổ hợp tác, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ rất cần xây dựng một Đề án đánh giá chi tiết với các mục tiêu chủ yếu sau:

- Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả loại hình kinh tế Tổ hợp tác của kinh tế tập thể đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn của tỉnh Đắk Nông để từng bước xây dựng thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn của tỉnh Đắk Nông thành cộng đồng dân cư phát triển kinh tế bền vững.

- Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và đảng viên ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) trong việc chỉ đạo, thực hiện, phối hợp, …để đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nói chung và kinh tế Tổ hợp tác trên từng địa bàn nói riêng.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ chuyên môn cơ sở và người dân trên địa bàn về kinh tế tập thể nói chung và loại hình kinh tế nhóm hộ, tổ hợp tác nói riêng để hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ người dân trên địa bàn của mình hình thành, phát triển loại hình kinh tế Tổ hợp tác.

- Ổn định tổ chức và hoạt động của các tổ hợp tác hiện có, từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các tổ hợp tác đã được thành lập sau đó phát triển thêm các tổ hợp tác, nhóm hộ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Ban hành các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015-2020; lồng ghép phát triển kinh tế tập thể với các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

- Lồng ghép với các nguồn vốn, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chính sách dân tộc để triển khai thực hiện và phát triển các mô hình tổ hợp tác trong cùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Để Tổ hợp tác được thành lập theo đúng quy định và thực sự đi vào cuộc sống của người dân; bên cạnh việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đòi hỏi các cấp, các ngành ở cơ sở (đặc biệt là UBND cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bon, buôn) phải tâm huyết, đồng loạt bắt tay vào cuộc cùng với người dân địa phương duy trì, ổn định, phát huy và mở rộng các Tổ hợp tác sản xuất đã có trước đây; đồng thời vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thành lập mới các Tổ hợp tác, các Nhóm hộ sản xuất mới.

Trong điều kiện dân trí còn thấp, nhiều thành phần dân tộc, việc phát triển các Tổ hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua nhiều hoạt động của tỉnh hướng tới đồng bào dân tộc thiếu số đã thu được những kết quả tốt; nếu có sự kết hợp, lồng ghép giữa việc thực hiện Đề án với các chương trình khác đã triển khai sẽ đem lại những kết quả to lớn. Với cùng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, các Sở, Ban, ngành, các đoàn thể và cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 7/5/2004 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, về việc kết nghĩa giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang đối với buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thời gian qua nhiệm vụ ổn định chính trị và tư tưởng cho người dân đã được thực hiện tốt, việc tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển kinh tế sẽ xây dựng cơ sở vững chắc về phát triển kinh tế gắn với ổn định an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

File đính kèm:
Nguyễn Xuân Tuấn - Sở KH&ĐT
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 69
ngày hôm nay 341
ngày hôm qua 1982
tuần này 7092
tất cả 303859