TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Khó khăn của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông và những giải pháp tháo gỡ
Đăng ngày: (21-08-2014); Số lượt đọc: 277
Tính đến ngày 31/7/2014, tỉnh có gần 3.097 doanh nghiệp, trong đó: 2.446 doanh nghiệp và 651 đơn vị trực thuộc, với vốn đăng ký 21.641 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.597 doanh nghiệp đang hoạt động

Tính đến ngày 31/7/2014, tỉnh có gần 3.097 doanh nghiệp, trong đó: 2.446 doanh nghiệp và 651 đơn vị trực thuộc, với vốn đăng ký 21.641 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.597 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong 7 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 275, tăng gấp 1,4 lần so với cùng kỳ, trong đó 209 doanh nghiệp và 66 đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký là 730,28 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng; Số doanh nghiệp giải thể là 14 doanh nghiệp, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 15.

Nhìn chung tình hình hoạt động của doanh nghiệp có bước khởi sắc, nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả, một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn của doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, Các doanh nghiệp gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, nguyên nhân là do: Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất - kinh doanh còn hạn chế, cơ sở vật chất còn nghèo nàn; đại đa số các doanh nghiệp chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường và thiếu tài sản bảo đảm …; bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp dễ gặp rủi ro do thiếu thông tin; chế độ báo cáo, thống kê và kiểm toán đối với doanh nghiệp chưa theo chuẩn mực cũng phần nào gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi thẩm định các dự án, phương án vay vốn của các doanh nghiệp.

Thứ hai, tình trạng thiếu quỹ đất sạch, công tác hỗ trợ thu hồi đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án còn chậm, giá thuê đất cao; tranh chấp đất đai giữa người dân với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ ba, trình độ quản lý của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế, kinh doanh không bền vững dễ dẫn đến thua lỗ. Một số doanh nghiệp mạo hiểm trong đầu tư như lấy vốn ngắn hạn để đầu tư vào tài sản cố định … dẫn đến nguồn vốn lưu động bị hạn chế, không xoay vòng liên tục để sinh ra lợi nhuận và việc thanh toán các khoản phải trả ngắn hạn gặp khó khăn, quá hạn, không tạo được uy tín với Ngân hàng và các đối tác kinh doanh.

Thứ tư, các chính sách ưu đãi của tỉnh được nhà đầu tư đánh giá tốt, tuy nhiên khâu thực thi các chính sách này còn chưa đúng với chủ trương, làm mất lòng tin của nhà đầu tư; nhiều nhà đầu tư không nhận được các ưu đãi đó trên thực tế. Các chính sách khuyến nông, khuyến công, thương mại, dịch vụ, xã hội hóa của tỉnh thời gian qua triển khai chưa hiệu quả, chưa thật sự hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Thứ năm, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương, nguyên nhân là do: thiếu thông tin về các chính sách, pháp luật của tỉnh; thiếu thông tin về thủ tục hành chính của tỉnh.

Thứ sáu, các doanh nghiệp đang thiếu nguồn lao động có tay nghề và gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển dụng. Trước khó khăn này, buộc các doanh nghiệp phải bỏ kinh phí và thời gian để đào tạo lao động tại chỗ (phần lớn là lao động phổ thông của địa phương).

Thứ bảy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ; hoặc khó khăn về nguồn nguyên liệu.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp như sau:

Một là, Về cải cách hành chính: Thực hiện nghiêm túc cơ chế “một cửa liên thông” trong thu hút đầu tư; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt việc rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ. Xây dựng cung cách làm việc, có thái độ hợp tác tốt và hỗ trợ nhà đầu tư.

Rà soát các dự án đã có chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện triển khai thực hiện. Đối với các dự án chậm triển khai hoặc chậm tiến độ theo cam kết, nhà đầu tư đã đăng ký nhưng hạn chế về năng lực tài chính thì UBND tỉnh sẽ cương quyết thu hồi giấy phép, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, lành mạnh đối với tất cả các nhà đầu tư.

Hai là, Về quy hoạch, chính sách: Rà soát, ban hành đầy đủ các quy hoạch: Kinh tế xã hội; quy hoạch ngành; sản phẩm; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; các dự án cần kêu gọi đầu tư; để các cơ quan xúc tiến đầu tư của Tỉnh chủ động hơn trong mời gọi thu hút đầu tư và khi nhà đầu tư vào tỉnh thì không phải chờ đợi; căn cứ các quy hoạch được duyệt việc chấp thuận chủ trương đối với từng dự án đầu tư sẽ được xem xét, quyết định nhanh hơn.

Rà soát, xây dựng, ban hành đầy đủ các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Đồng thời bố trí đủ nguồn lực đảm bảo các chính sách được thực hiện khi nhà đầu tư triển khai dự án.

Ba là, Về đền bù, giải phóng mặt bằng và giá đất: Xây dựng cơ chế phối hợp trách nhiệm trong đền bù, giải phóng mặt bằng có hiệu quả.

Tạo quỹ đất sạch cho các dự án kêu gọi đầu tư.

Xác định giá đất các khu vực cần kêu gọi đầu tư. Việc xác định giá đất phải được xây dựng một cách hợp lý, vừa đảm bảo lợi ích của ngân sách, vừa phù hợp với định hướng ưu tiên mời gọi đầu tư của Tỉnh đối với từng lĩnh vực, trong từng thời kỳ, phù hợp với mặt bằng giá cả và có tính liên kết vùng.

Bốn là, Về cơ sở hạ tầng: Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước; trước hết là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Năm là, Về nguồn nhân lực: Bằng nhiều hình thức tổ chức đào tạo, cung ứng đủ lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Thực hiện sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các trung tâm đào tạo nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động để tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Sáu là, Về quảng bá, xúc tiến đầu tư: Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động Cổng thông tin điện tử và các trang web chuyên đề của tỉnh.

Thực hiện chủ trương “chủ động đi tìm nhà đầu tư chứ không thụ động chờ đợi nhà đầu tư đến”. Tuy nhiên, tỉnh cũng không trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư bằng mọi giá, mà sẽ chọn lọc những nhà đầu tư có năng lực thật sự, tâm  huyết và thực sự có ý tưởng làm ăn lâu dài với tại tỉnh. Hạn chế những dự án sử dụng nhiều đất đai hoặc ảnh hưởng đến rừng, nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.

Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, Ngành với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; đặc biệt là diễn đàn đầu tư, gặp mặt doanh nghiệp hàng năm; chỉ đạo quyết liệt triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến năm 2015 một cách khẩn trưởng, có hiệu quả.

Thiết lập đường dây nóng giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, theo đó nhà đầu tư khi gặp khó khăn, vướng mắc có thể liên lạc trực tiếp với các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh có thẩm quyền trong lĩnh vực hợp tác đầu tư để được giải quyết.

File đính kèm:
Trần Thắng Đức
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 78
ngày hôm nay 2780
ngày hôm qua 3737
tuần này 24425
tất cả 283008