Xây dựng nông thôn mới không thể chỉ chạy theo thành tích. Kỳ 1: Thực trạng và hạn chế
Đăng ngày: (30-01-2015);
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, được các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, được các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Việc xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua “Cả nước xây dựng nông thôn mới”. Kết quả của Chương trình đã thu hút được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và đã huy động được một nguồn lực lớn làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Trong giai đoạn 2011-2014, cả nước đã huy động được khoảng 591.170 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước 192.269 tỷ đồng (chiếm 32,52%), tín dụng 285.859 tỷ đồng (chiếm 48,35%), doanh nghiệp 31.877 tỷ đồng (chiếm 5,39%), đóng góp của nhân dân 68.733 tỷ đồng (chiếm 11,63%), nguồn khác 12.421 tỷ đồng (chiếm 10,32%).

 

Sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình đã góp phần phát triển nhanh kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi, điện được xây dựng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện trực tiếp đến chất lượng cuộc sống người dân. Các kế hoạch như dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân xác định được các nhóm cây chủ lực, tổ chức lại sản xuất thông qua hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Bên cạnh đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ được đẩy mạnh; chất lượng, phương thức, nội dung sinh hoạt của các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn đã được nâng cao.

Với tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; UBND tỉnh đã phát động Phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có tác động lan tỏa trong toàn tỉnh, hỗ trợ và động viên tinh thần cán bộ và nhân dân. Phong trào đã tạo được sự đồng thuận của người dân, phát huy được những cách làm sáng tạo, ngày càng huy động được nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2011-2014 và dự kiến năm 2015, cả tỉnh huy động được khoảng 5.841,4 tỷ đồng, trong đó: ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là 124,416 tỷ đồng (chiếm 2,13%), vốn trái phiếu Chính phủ 76,6 tỷ đồng (chiếm 1,31%), vốn tín dụng đầu tư phát triển là 490 tỷ đồng (chiếm 8,39%), vốn ngân sách lồng ghép, huy động người dân, doanh nghiệp và từ thiện là 5.150,384 tỷ đồng (chiếm 88,17%). Kết quả, bộ mặt nông thôn tỉnh ta đã có thay đổi rõ dệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình xây dựng nông thôn mới còn tồn tại những hạn chế, bất cập cần có sự rà soát, sửa đổi cho phù hợp.

Thứ nhất, việc thực thi của cán bộ cơ sở còn cứng nhắc, chạy theo thành tích: Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là một tiêu chuẩn, là đích phấn đấu đề một địa phương khi đạt được các tiêu chí đó thì được coi là nông thôn mới. Khi triển khai thực hiện thì chính sự tham gia của người dân sẽ là người quyết định nên thực hiện tiêu chí nào trước, tiêu chí nào sau cho phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc phấn đấu thực hiện các tiêu chí chủ yếu do cán bộ cơ sở ở địa phương lựa chọn, như vậy vô hình chung việc xây dựng nông thôn mới như một kế hoạch đã được xây dựng từ trên xuống mà không xuất phát từ nhu cầu của người dân. Các địa phương thường tập trung cho các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng dễ thực hiện như: giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn văn hóa (chiếm khoảng 95% vốn đầu tư), còn lại khoảng 5% vốn đầu tư vào hỗ trợ phát triển sản xuất. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng là ưu tiên cần thiết để thúc đẩy sản xuất, tuy nhiên với nguồn lực có hạn thì cần tính đến bài toán việc gì cần thiết hơn. Thực tế tại các tỉnh phía Bắc cho thấy, người dân đang ngày càng không thiết tha với nghề trồng lúa, vậy việc ưu tiên làm những con đường sản xuất lớn ra cánh đồng, những công trình thủy lợi kiên cố liệu có hợp lý? Có nên chăng vừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đồng thời vừa dành một nguồn lực thỏa đáng hỗ trợ trực tiếp người dân sản xuất sẽ đem lại hiệu quả và sự đồng thuận cao hơn. Người dân có đường rộng để đi, có điện thắp sắng, có nhà văn hóa để sinh hoạt … và bên cạnh đó lỗi no cái đói, cái nghèo sẽ được giải quyết.

Thứ hai, các tiêu chí đánh giá chưa tính đến yếu tố vùng miền, văn hóa. Đất nước ta trải dài từ Bắc đến Nam, địa hình đến thời tiết, khí hậu đều có sự khác biệt; cả nước có 54 dân tộc với các nền văn hóa, trình độ dân trí giữa các miền, giữa thành thị và nông thôn … đều khác nhau. Tuy nhiên, để đánh giá việc xây dựng nông thôn mới của các địa phương theo cùng một bộ tiêu chí như hiện nay là chưa phù hợp và cứng nhắc. Với các tỉnh đồng bằng, mật độ dân cư đông nhưng tập trung, trình độ dân trí của người dân tốt, là nơi có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với những quan hệ dòng tộc chặt chẽ; việc xây dựng nông thôn mới sẽ rất khác so với các tỉnh miền núi, biên giới nơi có địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt nhưng rộng lớn, đủ các thành phần dân tộc và di cư tự do từ nhiều nơi đến lập nghiệp. Qua triển khai thực tế, sơ kết Chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều địa phương thuộc khu vực khó khăn đã có kiến nghị cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với điều kiện thực tế như: cơ sở vật chất văn hóa, chợ, môi trường (nghĩa trang), điện, nhà ở, giao thông, thủy lợi, quy hoạch, y tế, hình thức tổ chức sản xuất.

Thứ ba, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản: Trong việc triển khai thực hiện, các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội luôn được coi trọng và ưu tiên trước, trong khi đó các tiêu chí về phát triển kinh tế còn quá chung chung và ít được quan tâm. Thực tế cho thấy, một số địa phương vì chạy theo thành tích, không tính đến hiệu quả đầu tư đã gây thất thoát, lãng phí, tình trạng nợ xây dựng cơ bản đã và đang diễn ra. Việc đầu tư những con đường lớn, những công trình thủy lợi kiên cố, những nhà văn hóa đẹp nhưng sử dụng không hiệu quả là một sự lãng phí xã hội rất lớn. Bên cạnh đó, việc dập khuôn trong việc thực hiện các tiêu chí cũng là nguyên nhân gây nên lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp; điển hình là việc xây dựng các chợ, nhà văn hóa tại các thôn, buôn có vị trí gần nhau. Tại sao không sử dụng chung một công trình mà nhất thiết phải thôn nào cũng có công trình riêng của mình, để rồi xây xong lại không sử dụng?

Thứ tư, nguồn lực không gắn liền với chính sách: Nhu cầu kinh phí để đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới rất lớn (bình quân 350 tỷ/xã); trong khi đó ngân sách trung ương đầu tư hạn chế, ngân sách địa phương khó khăn, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp không hiệu quả. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn như: Tây bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ. Với tỉnh Đắk Nông có 59 xã, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn khoảng 20.650 tỷ, tuy nhiên theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ khi xây dựng Chương trình toàn tỉnh chỉ huy động được 5.841,4 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là 124,416 tỷ đồng, chiếm 2,13% (thấp hơn mức trung bình 32,52% của cả nước). Nếu dựa trên nguồn thu ngân sách Nhà nước của tỉnh năm 2014 đạt 1.354 tỉ đồng và chi ngân sách 5.520 tỉ đồng làm cơ sở cân đối, thì mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh với nhu cầu mỗi năm khoảng 2.356 tỷ đồng cho 5 năm tới là không có tính khả thi.

Kỳ sau: Những giải pháp và kiến nghị

Nguyễn Xuân Tuấn - Sở KH&ĐT