Loại bỏ “giấy phép con”-cuộc chiến gian nan
Đăng ngày: (23-01-2015);
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức vào cuộc rà soát, loại bỏ “giấy phép con”, nhưng danh mục “giấy phép con” vừa được công bố cho thấy đây sẽ là một cuộc chiến gian nan.
Điều kiện kinh doanh – thường được gọi là “giấy phép con” – là một trong những vấn đề quan trọng nhất, nhưng cũng phức tạp và khó nhất – khi xây dựng các quy định cụ thể nhằm thực thi nguyên tắc “tự do kinh doanh” đã được hiến định. Thậm chí có ý kiến chuyên gia cho rằng đây là điểm mấu chốt nhất trong việc xây dựng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để  tạo một cuộc “cách mạng” về môi trường kinh doanh.

Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 đã lần đầu tiên luật hóa được danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và danh mục 6 ngành cấm đầu tư kinh doanh. Ý nghĩa của việc này là ở chỗ, doanh nghiệp và người dân được toàn quyền tự do kinh doanh các ngành nghề nằm ngoài danh mục ấy.

Việc tập hợp, công bố các điều kiện kinh doanh hiện hành vào một danh mục thống nhất, duy nhất là nỗ lực lớn tiếp theo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Từ đây, Bộ này sẽ phải rà soát để loại bỏ những “giấy phép con” không cần thiết, bất hợp lý, chỉ giữ lại những gì thực sự cần thiết, giảm tối đa cản trở cho doanh nghiệp. Để rồi chỉ những điều kiện kinh doanh được giữ lại trong danh mục, được đăng tải trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, thì doanh nghiệp mới phải tuân thủ.

Nhưng nhìn vào danh mục “giấy phép con” vừa được công bố, không khó để thấy đây sẽ là một “cuộc chiến” đầy gian nan và chông gai.

Khó khăn đầu tiên là quy mô và khối lượng công việc, với 785 trang giấy liệt kê các điều kiện kinh doanh. Đó thực sự là một “ma trận” các giấy phép “cha-con-cháu” trùng điệp. Theo một kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được công bố hồi tháng 8 năm ngoái, có tới 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”); 2.129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”).

Chưa hết, các điều kiện kinh doanh còn được đặt ra hàng ngày, hàng giờ. Tại một cuộc họp cuối năm 2014, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch  và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn nói rằng “các loại giấy phép con mới được đẻ ra với tốc độ nhanh hơn tốc độ chúng ta dẹp bỏ”.

Khó khăn tiếp theo và lớn hơn, là quan điểm của các bộ ngành về điều kiện kinh doanh. Thời gian vừa qua, có rất nhiều quy định hoặc dự thảo chính sách bị cộng đồng doanh nghiệp phản ứng. Chẳng hạn, dự thảo quy định cửa hàng bia phải bảo đảm nhiệt độ không quá 30 độ C, nhân viên rót bia phải có… găng tay. Gần đây nhất, các doanh nghiệp đã phản ứng mạnh với quy định cá tra phi lê xuất khẩu phải bảo đảm tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước không quá 83%.

Theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, lý do chủ yếu khiến các chính sách này bị phản ứng là vì chúng thể hiện ý muốn can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, trong khi, việc can thiệp đó là không cần thiết, không rõ mục tiêu đã được quy định trong Luật Đầu tư: Vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực vận tải nói chung và vận tải du lịch nói riêng, cần có những điều kiện kinh doanh để bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách bởi xe cộ là nguồn nguy hiểm cao độ. Nhưng khi cơ quan quản lý đưa ra điều kiện xe du lịch phải có thêm… thùng rác như trong một dự thảo thông tư, thì người ta không thể thấy thuyết phục. Những vấn đề thuộc về chất lượng như vậy nên để cho thị trường quyết định, bởi thị trường có những phân khúc khách hàng yêu cầu chất lượng rất khác nhau.

Điều đáng tiếc là trong dự thảo danh mục mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, có rất nhiều điều kiện kinh doanh như vậy. Có thể kể đến, dù còn tranh cãi: Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên; người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế phải có thời gian ít nhất bốn năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành; doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có tối thiểu 5 xe ô tô…

Có thể thấy trước, việc thuyết phục các bộ, ngành để loại bỏ các điều kiện kinh doanh là việc không dễ dàng. Nếu như Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có những trường hợp cố tình ban hành thêm “giấy phép con” vì lợi ích cục bộ, thì Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh Nguyễn Bá Ân lại chỉ ra một thực trạng khác: Các bộ, ngành cứ nghĩ quản lý là phải như vậy.

Một vấn đề khác là sự không rõ ràng của các điều kiện kinh doanh. Một ví dụ là điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, theo Thông tư số 14/2011/TT-BXD: Phải có các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập; phải có bộ máy quản lý đáp ứng yêu cầu. Nhưng thế nào là ”đáp ứng yêu cầu” thì Thông tư lại không nói rõ.

Tương tự, cụm từ ”theo quy định của pháp luật” xuất hiện rất nhiều lần trong dự thảo Danh mục cũng là điển hình của sự thiếu rõ ràng, cụ thể. Đây thực sự là nguy cơ đối với doanh nghiệp, bởi người thực thi công vụ có cơ hội để suy diễn về điều kiện kinh doanh để gây khó dễ, nhũng nhiễu.

Cuối cùng, là sự lo lắng của doanh nghiệp về việc thực thi. Luật Đầu tư đã nói rõ, điều kiện kinh doanh phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và cấp dưới không được ban hành điều kiện kinh doanh. Nhưng hàng loạt câu hỏi dường như vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát: Các điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các Thông tư có đương nhiên mất hiệu lực không? Kinh doanh bia không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được Luật Đầu tư xác định, vậy cơ quan chức năng có được phép ban hành các điều kiện kinh doanh bia như đã từng gây tranh cãi không?

Thêm nữa, Luật không quy định xuất khẩu cá tra là ngành kinh doanh có điều kiện, mà chỉ xác định ”kinh doanh thủy sản” là ngành kinh doanh có điều kiện. Vậy Nghị định 36/2014/NQ-CP quy định hàng loạt điều kiện liên quan đến ngành cá tra, trong đó có điều kiện với cá tra phi lê xuất khẩu đang bị doanh nghiệp phản ứng, sẽ được xử lý như thế nào? Cũng xin nói thêm, dự thảo Danh mục các điều kiện kinh doanh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố không nhắc gì tới Nghị định này.

Nhưng việc loại bỏ các điều kiện kinh doanh càng khó khăn bao nhiêu thì càng chứng tỏ rằng việc làm ấy cần thiết bấy nhiêu. Quốc hội đã ban hành Luật, Chính phủ đã có quyết tâm rõ ràng, quá trình ấy còn cần sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ