Vai trò và phạm vi ảnh hưởng của cửa khu kinh tế cửa khẩu Đắk Puer đối với phát triển kinh tế tỉnh Đắk Nông
Đăng ngày: (21-08-2014);

Trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và Vùng Tây nguyên nói riêng, nhà nước đang đầu tư xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh nhằm khai thác vùng biên giới phía Tây tổ quốc. Đắk Nông là tỉnh nằm ở cực Nam của Tây nguyên, có quốc lộ 14 và đường Hồ Chí Minh chạy qua nối Đắk Nông với các tỉnh trong vùng Tây nguyên, với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với tỉnh Lâm Đồng và ra các cảng Miền Trung. Các tuyến đường huyết mạch này sẽ phục vụ đắc lực cho tăng cường hợp tác kinh tế của hai nước Việt Nam và Camphuchia, tạo cho vùng phía Đông Bắc của Campuchia có thể tiếp cận ra biển Đông và tạo điều kiện cho tỉnh ta có thể vươn tới các nước trong khu vực.

Những năm gần đây, hợp tác phát triển kinh tế thương mại ở khu vực biên giới giữa tỉnh Đăk Nông và các huyện biên giới Campuchia đã có bước phát triển, trong đó có cửa khẩu Đăk Per đóng góp một phần hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Đăk Mil và được coi là động lực kinh tế tiểu vùng phía Bắc của tỉnh. Với lợi thế núi liền núi, sông liền sông, có mạng lưới đường bộ kết nối với Campuchia, cửa khẩu Đắk Per có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế đối ngoại và bảo vệ an ninh quốc phòng; vì vậy việc đầu tư cơ sở hạ tầng và trang bị các phương tiện kỹ thuật, đảm bảo điều kiện, tiêu chí để hoạt động theo chức năng của khu kinh tế cửa khẩu là cần thiết.

Xuất phát từ mục tiêu trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND, ngày 26/4/2013 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu trung tâm cửa khẩu thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Per, huyện Đắk Mil. Trong điều kiện Chính phủ đang cắt giảm đầu tư công như hiện nay, quy hoạch Khu trung tâm cửa khẩu là cơ sở nền tảng cùng với những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù sẽ tạo thành những động lực để thu hút các nguồn vốn ODA và vốn của doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần tích cực vào việc hình thành Khu kinh tế cửa khẩu.

Về vị trí địa lý, Khu trung tâm cửa khẩu Đắk Peur có diện tích quy hoạch khoảng 400 ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 2.000 người. Khoảng cách từ cửa khẩu Đắk Peur đến quốc lộ 14 khoảng 4 km, cách trung tâm thị trấn Đắk Mil khoảng 8 km, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 60 km về phía Đông Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300 km về phía Tây Nam. Về phía Camphuchia, từ cửa khẩu Đắk Peur đến trung tâm huyện Petchanda khoảng 35 km, đến tỉnh lỵ Muldulkiri, Campuchia khoảng 40 km, đến trung tâm huyện lỵ Cô Nhéc khoảng 100 km. Trong tương lai, từ cửa khẩu Đắk Peur có thể nối với tuyến đường 76 tới Cô Nhéc, Ban Lung là các đô thị trung tâm của huyện lỵ và tỉnh lỵ của Campuchia và nối với các tỉnh khác của Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực.

Đánh giá về vai trò và phạm vi ảnh hưởng của Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur cho thấy:

Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đắk Mil: Khu kinh tế cửa khẩu nằm liền kề với thị trấn Đắk Mil và trong tương lai là thị xã Đức Lập. Sự phát triển của thị xã Đức Lập gắn kết chặt chẽ và tác động lớn đến phát triển kinh tế cửa khẩu. Sự hình thành và phát triển nhanh của Khu kinh tế cửa khẩu là động lực ảnh hưởng đến phát triển của thị xã trong tương lai.

Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur khi đi vào hoạt động sẽ mở thêm lối ra cho tỉnh, hội nhập khu vực thành một điểm trung chuyển quốc tế trong hợp tác tam giác phát triển giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đối với vùng Tây nguyên và Miền trung: Cửa khẩu Đắk Peur là một trung tâm kinh tế khu vực, cửa ngõ xuất – nhập khẩu nối liền các tỉnh Tây nguyên, Miền trung Việt Nam với các tỉnh Đông Bắc Campuchia và các nước trong khu vực. Theo các tuyến quốc lộ 14, 26, 28 hiện có và trong tương lai sẽ xây dựng tuyến đường ngang nối liền quốc lộ 14 với quốc lộ 27 thì từ cửa khẩu Đắk Peur có thể mở ra thị trường rộng lớn cho các tỉnh Tây nguyên và Miền trung Việt Nam. Mạng lưới giao thông đó sẽ thu hút các hoạt động đầu tư, kinh doanh thương mại, du lịch, dịch vụ không những của tỉnh Đắk Nông mà còn từ các tỉnh khác trong vùng, cả nước đến cửa khẩu Đắk Peur và vươn tới các nước trong khu vực.

Đối với phòng thủ biên giới đất nước: Cửa khẩu Đắk Peur và Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur nằm trên tuyến biên giới thuộc địa bàn huyện Đắk Mil với chiều dài đường biên giới khoảng 45 km. Đây là địa bàn có vị thế hết sức quan trọng đối với an ninh, quốc phòng và phát triển giao lưu kinh tế của tỉnh Đắk Nông và cả nước. Trong chiến lược phòng thủ biên giới, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế kết hợp với tăng cường quốc phòng tại khu vực này là điều kiện để nâng cao khả năng, sức mạnh tổng hợp cho công tác quản lý, bảo vệ phòng thủ biên giới, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh và vùng Tây Nguyên.

Đối với Campuchia và các nước trong khu vực: Cửa khẩu Đắk Peur và Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur nằm cách không xa huyện lỵ Petchanda và tỉnh lỵ Senmonorôm. Trong dự án Tam giác phát triển vùng biên giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia đã xác định nhiều dự án phát triển mạng lưới giao thông nối các tỉnh biên giới 3 nước, trong đó có dự án phát triển đường 76 nối từ BanLung (tỉnh lỵ của Ratarakiri) đến Seemonorôm (tỉnh lỵ của Muldulkiri) đến Đắk Nông và đường nối từ Cô Nhéc đến huyện Petchanđa qua cửa khẩu Đắk peur nối quốc lộ 14 qua huyện Đắk mil, tỉnh Đắk Nông.

Trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh có hạn, Trung ương đang cắt giảm đầu tư công, để khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur thực sự trở thành một trong những cửa ngõ quốc tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi phù hợp cho các nhà đầu tư./.

Nguyễn Xuân Tuấn