Tình hình thu hút vận động, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi năm 2020 của tỉnh Đắk Nông
Đăng ngày: (05-01-2021);
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 09 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với Tổng vốn theo Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi là 2.499.178 triệu đồng. Tổng kế hoạch vốn trong năm 2020 là 481.301 triệu đồng, trong đó: kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là 327.027 triệu đồng và nguồn vốn chuyển nhiệm vụ chi năm 2019 sang năm 2020 là 154.274 triệu đồng. Các dự án ODA đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư và kế hoạch hoạt động, triển khai thực hiện tuân thủ chặt chẽ theo đúng Quyết định đầu tư, Hiệp định vay đã ký kết, nguồn vốn ODA góp phần bổ sung một nguồn lực đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đặc biệt là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Các dự án hoàn thành hoặc các hợp phần dự án sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa phương…

Trong quá trình triển khai có một số nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn như sau:

Về Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu: Quy trình, thủ tục và chính sách của Việt Nam có nhiều khác biệt với nhà tài trợ về các nội dung liên quan đến công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng và tái định cư, thủ tục giải ngân rút vốn,… Ngoài ra, một số quy trình như phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh dự án… đều phải lấy ý kiến nhà tài trợ cho ý kiến không phản đối trước khi triển khai dẫn đến quá trình chuẩn bị các thủ tục kéo dài.Về quy trình lập chương trình, dự án: Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, là một nguồn ngân sách của nhà nước; do đó, việc sử dụng nguồn vốn này đảm bảo trần dư nợ cho phép. Quy trình, thủ tục triển khai được quy định hết sức chặt chẽ thông qua trình tự triển khai các bước như: Đề xuất dự án, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt, ký kết hiệp định và triển khai dự án. Như vậy, các chương trình, dự án ODA triển khai thực hiện vừa phải thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam và các quy định của nhà tài trợ, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Về quy trình thanh toán: Phương thức giải ngân các chương trình, dự án ODA chủ yếu theo hình thức thanh toán trực tiếp; theo đó, sau khi khối lượng hoàn thành được Kho bạc nhà nước nơi giao dịch xác nhận, Chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt Đơn rút vốn trước khi gửi Nhà tài trợ duyệt và chuyển tiền cho chủ đầu tư để thanh toán cho nhà thầu. Với quy trình này, thời gian thanh toán kéo dài. Ngoài ra việc hạn chế số tiền cho mỗi lần tạm ứng về tài khoản cấp đặc biệt cũng làm ảnh hưởng đến công tác triển khai các chương trình, dự án. Mặt khác đối với các chương trình, dự án quy định cơ chế tài chính có tỷ lệ vốn cấp phát và vay lại, việc thanh toán theo đúng tỷ lệ cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án.                                     
Khúc Thị Thoi