Rủi ro khi doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ
Đăng ngày: (02-06-2019);
 Với cơ chế thông thoáng của Luật Doanh nghiệp 2014 theo hướng chuyển từ công tác “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, hiện nay thủ tục thành lập doanh nghiệp tương đối đơn giản và dễ dàng; chủ doanh nghiệp chỉ cần có một trong các loại giấy tờ chứng thực cá nhân cùng với một bộ hồ sơ hợp lệ thì sau 3 ngày làm việc đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính vì thủ tục đơn giản nên không ít chủ doanh nghiệp chưa tìm hiểu hết về quyền, nghĩa vụ và các hành vi bị cấm của doanh nghiệp; một trong số các hành vi bị cấm là kê khai khống vốn đăng ký (vốn điều lệ), không góp đủ và đúng hạn số vốn như đã đăng ký, cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế. Việc vi phạm nghĩa vụ góp vốn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động của chính doanh nghiệp.

Vốn điều lệ doanh nghiệp là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 không yêu cầu người thành lập doanh nghiệp phải chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp, không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu, hoặc mức vốn điều lệ công ty tối đa là bao nhiêu khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường. Do vậy đa số các chủ doanh nghiệp đã đăng ký mức vốn điều lệ cao hơn mức vốn thực có của mình góp vào doanh nghiệp, nhằm mục đích khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với mức vốn điều lệ cao sẽ thuận lợi trong quá trình ký kết các hợp đồng kinh tế. Thực tế kiểm tra số liệu báo cáo tài chính các doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Nông cho thấy, có những chủ doanh nghiệp không góp vốn hoặc chỉ thực hiện nghĩa vụ góp vốn bằng 1/10 vốn điều lệ đăng ký. Việc các chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng vốn điều lệ nhưng vẫn báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh đã góp đủ vốn điều lệ sẽ dẫn tới những rủi ro cho chính doanh nghiệp:

Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, chủ sở hữu (đối với loại hình công ty TNHH MTV), thành viên (đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên), cổ đông sáng lập (với loại hình công ty cổ phần) phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời gian trên, nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký, đồng thời cũng không đăng ký giảm vốn điều lệ bằng số vốn thực góp; theo quy định tại Điều 28, Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về vi phạm khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Thứ hai, trong trường hợp sảy ra tranh chấp, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm pháp lý cao hơn so với thực tế: theo quy định với các loại hình doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ (công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh), doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký. Ví dụ, doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 10 tỷ, chỉ thực hiện góp vốn 1 tỷ nhưng không đăng ký giảm vốn điều lệ bằng số vốn thực góp; trong trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý là 10 tỷ thay vì 1 tỷ như số vốn thực góp.

Thứ ba, trong trường hợp kinh doanh có lợi nhuận, hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác doanh nghiệp phải đóng góp ở mức cao hơn so với thực tế. Bên cạnh đó rất dễ sảy ra tranh chấp khi phân chia lợi nhuận giữa các thành viên góp vốn hoặc các cổ đông sáng lập, lý do là việc phân chia lợi  nhuận dựa trên tỷ lệ vốn góp đăng ký nhưng lại khác so với vốn góp thực tế.

Thứ tư, rủi ro về mặt pháp lý giữa các thành viên góp vốn hoặc các cổ đông sáng lập: trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên góp vốn dựa trên số vốn thực góp có ý nghĩa rất quan trọng. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên hoặc cổ đông không góp vốn khi đến hạn sẽ không còn là thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp; tuy nhiên, vì một lý do nào đó, doanh nghiệp vẫn công nhận là thành viên hoặc cổ đông; hoặc trong một trường hợp khác, nếu một trong số các thành viên hoặc cổ đông phát sinh quan hệ pháp lý với bên thứ ba như cho, tặng, thừa kế, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp … các trường hợp này sẽ dẫn tới các quan hệ pháp lý rất phức tạp khi tỷ lệ phiếu biểu quyết của các thành viên không rõ ràng.

Thứ năm, làm cho môi trường kinh doanh thiếu minh bạch: khi không góp đủ vốn như đã đăng ký, doanh nghiệp được ví như một người khổng lồ đứng trên đôi chân bằng đất sét; các doanh nghiệp khi tiến hành ký kết hợp đồng với nhau sẽ không tin tưởng vào mức vốn điều lệ doanh nghiệp đã đăng ký, thay vào đó họ sẽ tìm hiểu từ các nguồn thông tin tài chính tin cậy hơn như báo cáo tài chính, hồ sơ năng lực …Đối với cơ quan quản lý nhà nước nếu chỉ nhìn vào số vốn đăng ký sẽ không thấy được quy mô và năng lực thực tế của doanh nghiệp để đưa ra những chính sách hợp lý.

Một trong những vấn đề cần cải thiện trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng là minh bạch tài chính doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 không khuyến khích doanh nghiệp giảm vốn điều lệ, tuy nhiên với các rủi ro nêu trên, bắt buộc các doanh nghiệp phải góp đủ vốn hoặc giảm vốn về số thực có để thể hiện đúng sức khỏe tài chính của mình, qua đó doanh nghiệp lấy lại niềm tin với đối tác kinh doanh./.
                                                                          Nguyễn Xuân Tuấn

Bài sau: Một số vấn đề cần bàn khi gón vốn kinh doanh.