TIN TỨC
Trang chủ  Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Nông
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên: Những kết quả mang lại từ hoạt động sinh kế và cơ sở hạ tầng tại Đắk Nông
Đăng ngày: (03-01-2017); Số lượt đọc: 2391
Trong 2 năm qua, kể từ khi Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (GNTN) tỉnh Đắk Nông đi vào hoạt động, nhiều hạng mục công trình, tiểu dự án sinh kế được triển khai đã giúp cho 14.119 hộ tại 20 xã thuộc 4 huyện nghèo vùng dự án hưởng lợi. Trong đó, nhiều công trình xây dựng như: Kênh mương, đập thủy lợi, đường giao thông nông thôn, trồng lúa, ngô, nuôi gà… đã mang lại kết quả mong đợi.

Gia đình bà Lê Thị Quang ở bon Bu Nơr B, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) là một trong những thành viên trong nhóm cải thiện sinh kế (LEG) chăn nuôi gà. Năm 2015, gia đình bà được dự án hỗ trợ 30 con gà giống cùng thức ăn, thuốc phòng chữa bệnh. Từ đàn gà hỗ trợ ban đầu, sau gần 2 năm, bà đã nhân đàn lên trên 500 con. Với cách làm vừa nuôi, vừa nhân đàn, cứ thế đàn gà không ngừng phát triển và gia đình bà cũng có khoản thu nhập nhất định.

Bà Quang cho biết: Tôi thấy nuôi gà thả vườn cũng có thể là mô hình thoát nghèo đấy! Bởi nếu người nuôi gà áp dụng đúng quy trình kỹ thuật mà các hướng dẫn viên cộng đồng (CF) hướng dẫn như: cách làm chuồng trại hợp lý, chăm sóc, cho ăn, sưởi ấm theo từng giai đoạn, từng lứa tuổi thì đàn gà phát triển khá nhanh. Cũng theo bà Quang, thời gian qua, khi lứa gà đủ 80 ngày, trọng lượng từ 1,5 – 1,8kg/con, bà bán lứa này kế tiếp lứa kia, ước tính hết đợt khoảng trên 100 con. Vào thời điểm hiện tại, giá gà ta thả vườn giao động từ 85-90 ngàn đồng/kg, mỗi lứa, bà thu về 7-8 triệu đồng. Số tiền này đủ để bà xoay vòng, mua cám, mua thêm gà giống tăng số lượng đàn.

Ngoài tiểu dự án nuôi gà, Dự án GNTN còn hỗ trợ các nhóm LEG ở 4 huyện chăn nuôi dê, heo rừng lai, thỏ và trồng rau xanh, lúa ngô, khoai lang, dâu tằm… Các tiểu dự án nuôi gà, trồng rau an toàn, trồng lúa là một trong các hoạt động sinh kế mà dự án hỗ trợ cho người dân đã đem lại kết quả tốt. Các tiểu dự án này không chỉ phát huy được nguồn vốn hỗ trợ mà còn có sức lan tỏa và sẽ được các hộ trong và ngoài vùng dự án áp dụng cho nhiều năm về sau này.

Đi trên con đường nhựa, nhộn nhịp bước chân học sinh, người dân đi làm rẫy, bà Nguyễn Thị Đọc, Bí thư Chi bộ bon Bu Gia, xã Quảng Trực (Tuy Đức) cho biết: “Tôi hết sức vui mừng vì từ khi dự án hỗ trợ làm con đường và cây cầu nội bon Bu Gia, bà con trong bon thuận lợi hơn khi đi làm rẫy, trẻ em đi học không còn vất vả nữa”. Có con đường mới, không chỉ giúp cho người dân trong bon đi lại “không sợ lấm lem cái chân” mà việc chăm sóc, thu hoạch đối với hàng trăm ha cà phê, hồ tiêu, cây lương thực cũng thuận lợi hơn.

Công trình Trường tiểu học Lê Lợi, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) từ ngày được dự án hỗ trợ trên 2 tỷ đồng để xây dựng 4 phòng học đã giúp cho thầy trò của trường dạy và học hiệu quả hơn.

Thầy giáo Vũ Đức Tĩnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi chia sẻ: “Trước đây, do thiếu phòng nên nhà trường phải bố trí dạy ca 3. Từ đầu năm 2016, trường đưa vào sử dụng 4 phòng học do dự án hỗ trợ đã giúp trường khắc phục được tình trạng phải học ca 3. Hiện, dự án đang tiếp tục hỗ trợ xây thêm 4 phòng nữa tại phân hiệu 2 của nhà trường. Đây là một sự quan tâm, giúp đỡ hết sức đáng quý!”.

Tương tự, tại các hạng mục như đường giao thông thôn 1, thôn 4, xã Đắk R’măng; công trình thủy lợi bon S’rê B, xã Đắk Som (Đắk Glong); nhà văn hóa cộng đồng thôn 7, xã Thuận Hà (Đắk Song)… đã và đang thi công thật sự mang lại niềm vui lớn cho người dân trong vùng dự án.

Theo Ban Quản lý Dự án GNTN tỉnh Đắk Nông thì năm 2016, dự án đã và đang thực hiện 70 hạng mục công trình, bao gồm: 34 công trình giao thông, với tổng chiều dài 27 km, 4 công trình cầu, 2 công trình nước sạch, 7 nhà văn hóa cộng đồng, 11 kênh mương với chiều dài trên 11,2 km, 8 đập thủy lợi, 4 phòng học.

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án GNTN tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm vừa qua, ngoài các hoạt động sinh kế, các công trình cơ sở hạ tầng cũng đã phần nào giúp người dân giảm được khó khăn trong việc đi lại, gián tiếp tác động đến việc nâng cao thu nhập cho người dân nhờ bán được giá nông sản cao hơn từ khi cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Các công trình nhà văn hóa, công trình thủy lợi, trường học… cũng đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội ở các địa phương trong vùng dự án; qua đó, góp phần giúp cho chính quyền sở tại thực hiện hiệu quả hơn chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương.

File đính kèm:
Báo Đắk Nông
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 544
ngày hôm nay 473
ngày hôm qua 3755
tuần này 15484
tất cả 254497