TIN TỨC
Trang chủ  Hoạt động đoàn thể
Cần sớm điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tỉnh ta!
Đăng ngày: (05-10-2015); Số lượt đọc: 1205
Trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, cơ sở hạ tầng là yếu kém, thu ngân sách không đủ chi, ngân sách Trung ương hỗ trợ ngày càng hạn hẹp.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, cơ sở hạ tầng là yếu kém, thu ngân sách không đủ chi, ngân sách Trung ương hỗ trợ ngày càng hạn hẹp; việc tỉnh ta ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư là một hướng đi đúng đắn nhằm tranh thủ các nguồn đầu tư ngoại lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chính sách ban hành đã nhận được sự ủng hộ hưởng ứng của toàn thể xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư theo từng lĩnh vực đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư xem xét, lựa chọn khả năng đầu tư vào lĩnh vực chuyên ngành mà doanh nghiệp mình có thế mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách còn bộc lộ một số tồn tại

Thứ nhất, chính sách ưu đãi đầu tư và các mức hỗ trợ đã rõ ràng, tuy nhiên sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách còn chưa thật sự chặt chẽ; việc phân công tổ chức thực hiện chính sách cho các cơ quan chuyên môn chưa cụ thể, thiếu đơn vị đầu mối dẫn đến lúng túng trong khâu triển khai thực hiện.

Thứ hai, là một tỉnh khó khăn, thế mạnh của địa phương chủ yếu là đất đai, nông sản công nghiệp và một số tài nguyên khoáng sản đặc thù; mặc dù tỉnh đã mạnh dạn đưa ra các mức ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nhưng hầu hết đều nằm trong khung quy định của Trung ương, chưa có sự khác biệt hoặc có tính đột phá riêng của tỉnh, do đó chính sách chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, sức thu hút nguồn lực còn thấp. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cạnh tranh về chính sách giữa tỉnh ta với các tỉnh lân cận có điều kiện ưu đãi tương đồng nhưng về cơ sở hạ tầng và nguồn lực tốt hơn như Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Thứ ba, hàng năm, cùng với thời điểm xây dựng kế hoạch đầu tư, tỉnh đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán và lập báo cáo quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các chế độ tài chính hiện hành; trong đó, bao gồm cả nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên do nguồn ngân sách của tỉnh hàng năm hạn hẹp, trong khi đó nhu cầu đầu tư tăng cao, nhiều công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa có vốn để thực hiện công tác quyết toán, do đó nguồn vốn dành riêng cho việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư còn hạn chế.

Thứ tư, là một tỉnh có thế mạnh về đất đai, tuy nhiên do ngân sách tỉnh hạn hẹp không đủ vốn để giải phóng mặt bằng nên hầu hết các dự án đều không có quỹ đất sạch để bố trí, các đơn vị phải tự thỏa thuận với chủ đất nên gặp nhiều khó khăn dẫn đến kéo dài thời gian giao đất, cho thuê đất. Diện tích đất kêu gọi đầu tư manh mún lại b người dân xâm canh, do vậy khó có thể kêu gọi được các nhà đầu tư lớn.

Thứ năm, đa số các dự án chỉ được xác định rõ nhu cầu sử dụng đất khi có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh nên việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các công trình kêu gọi, khuyến khích đầu tư phần lớn đều không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện nên khó khăn cho việc giao đất, cho thuê đất.

Hiện nay, một số căn cứ pháp lý của các chính sách như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã được ban hành mới hoặc điều chỉnh bổ sung. Do vậy, nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế các quy định hiện hành. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh các chính sách cần lưu ý xem xét một số vấn đề sau  

Thứ nhất, nên giao việc xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho một đơn vị đầu mối để thuận tiện cho việc theo dõi, đánh giá hiệu quả của chính sách, lấy ý kiến rộng rãi  với các đối tượng hưởng thụ chính sách để đảm bảo tính khả thi. Sau khi chính sách được ban hành, cần nhanh chóng xây dựng một bộ thủ tục để thực hiện chính sách hoặc ban hành bộ thủ tục hướng dẫn kèm theo chính sách ngay từ khi ban hành; việc thực thi các chính sách phải được triển khai đúng, công khai, minh bạch, cụ thể và kịp thời.

Thứ hai, với điều kiện tài nguyên thiên nhiên tương đồng như tỉnh ta nhưng các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Lâm Đồng với tiềm lực tài chính mạnh hơn, chất lượng nguồn nhân lực cao hơn, điều kiện về cơ sở hạ tầng tốt hơn, thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn … thì tỉnh ta phải có các chính sách đặc thù mới có thể cạnh tranh trong việc thu hút nhà đầu tư.

Thứ ba, cần gắn kết chặt chẽ giữa việc xây dựng chính sách với bố trí tiềm lực tài chính và phân bổ dự toán ngân sách hàng năm cho các lĩnh vực ưu đãi về cơ sở hạ tầng, tín dụng; Với nguồn lực hạn hẹp chính sách chỉ nên tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các dự án có tính chiến lược có tác động tương hỗ, lan tỏa lớn, không nên ưu đãi đầu tư một cách dàn trải.

Thứ tư, với lĩnh vực đất đai, cần bổ sung chính sách liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; tăng cường công tác quản lý đất công, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi lấn chiếm; hàng năm tỉnh dành một khoản kinh phí thỏa đáng để chủ động giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.

Thứ năm, với lĩnh vực tín dụng, cần xem xét điều chỉnh thời hạn được hỗ trợ chênh lệch lãi suất tiền vay từ không quá 05 năm không quá 10 năm đối với chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ để đảm bảo phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Trong trường hợp khả năng nguồn vốn của Quỹ Đầu tư Phát triển không đáp ứng đủ nhu cầu lớn của chủ đầu tư thì đề nghị UBND tỉnh có nguồn tiếp tục hỗ trợ cho chủ đầu tư

Thứ sáu, với chính sách về thị trường và xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên không có kinh phí để tham gia các hội chợ, triển lãm; do vậy hàng năm UBND tỉnh cần tổ chức các gian hàng để giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.

File đính kèm:
Nguyễn Xuân Tuấn
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 71
ngày hôm nay 3641
ngày hôm qua 4076
tuần này 21549
tất cả 280132