TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
NỀN KINH TẾ TỈNH DAK NÔNG, NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG 5 NĂM 2011-2015, ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN 5 NĂM TIẾP THEO.
Đăng ngày: (20-05-2015); Số lượt đọc: 570
NỀN KINH TẾ TỈNH DAK NÔNG, NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG 5 NĂM 2011-2015, ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN 5 NĂM TIẾP THEO

Khi xây dựng và thông qua Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 đã không lường trước được những khó khăn, thách thức chung của thế giới và trong nước; 05 năm triển khai thực kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vừa qua, là khoảng thời gian nền kinh tế thế giới và nước ta và tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; Chính phủ thực hiện chủ trương thắt chặt tài khóa (trong đó trọng tâm là thắt chặt đầu tư công) và thắt chặt tiền tệ (lãi suất cơ bản ở mức cao); do đó, nguồn vốn nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng - kinh tế xã hội giảm mạnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

            Ngoài những khó khăn chung của cả nước, tỉnh còn gặp một số khó khăn đặc thù như sau: số lượng dân di cư tự do đến tỉnh ta tăng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế xếp vào loại thấp kém nhất cả nước; có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn; nguồn nhân lực còn hạn chế, trình độ dân trí thấp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định,…

Nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự nỗ lực phấn đấu cao của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ X, nhiệm kỳ 2011-2016 đã đề ra.

            Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, bình quân giai đoạn đạt 13,43%; trong đó: khu vực nông nghiệp đạt 9,3%; khu vực công nghiệp xây dựng đạt 18,96%; khu vực dịch vụ đạt 14,97%.

            Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ; khu vực nông, lâm nghiệp chiếm 51,38%; khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 18,21%; khu vực dịch vụ chiếm 30,41% .

            GRDP bình quân đầu người đạt khá, được 36,48 triệu đồng (tương đương 1.697 USD), bằng 74% so với mức bình quân chung của cả nước.

            Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn đạt 66,68 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 17,3%/năm. Tổng thu ngân sách giai đoạn đạt 6.483 tỷ đồng, tăng bình quân 13,06%/năm .

            Kim ngạch xuất khẩu: Đạt 700 triệu USD, tăng bình quân giai đoạn là 22,87%, vượt chỉ tiêu đề ra.

            Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế: Đảm bảo nguồn nước cho 68% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; nhựa hóa 100% đường tỉnh; 80% đường huyện; 100% bon, buôn có từ 1-2 km đường nhựa; 99,5% thôn, bon, buôn có lưới điện quốc gia; 95% số hộ được sử dụng điện, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra.

            Đánh giá các thành tựu đã đạt được:

            Thứ nhất là, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng:

            Tỉnh đã xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thường xuyên chỉ đạo việc lập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; đồng bộ triển khai xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn được tăng cường, đặc biệt là khu vực đô thị Gia Nghĩa, Kiến Đức, Đắk Mil. Công tác quản lý quy hoạch đã được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, bước đầu có nhiều đổi mới, hiệu quả.

            Thứ hai là, Quản lý, khai thác bước đầu có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường:

Đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước về bảo vệ và sử dụng tài nguyên khoáng sản được tăng cường. Công tác thẩm định hồ sơ, giải quyết các thủ tục về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản được thực hiện nhanh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Hoàn thành quy hoạch sử sụng đất toàn tỉnh đến năm 2020, và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện, thị xã theo kỳ quy định. Kế hoạch khai thác, sử dụng đất đã bám sát quy hoạch, nâng cao hệ số, hiệu quả sử dụng đất.

Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng lên. Các giải pháp về xử lý chất thải, nước thải và những vấn đề liên quan đến môi trường từng bước được thực hiện theo đúng các quy định.

Thứ ba là, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị được chú trọng:

Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các công trình trọng điểm, các tuyến giao thông chính, hệ thống thủy lợi, hạ tầng đô thị và nông thôn. Đến nay đã có 100% tuyến tỉnh lộ, 80% huyện lộ đã được nhựa hóa. Các tuyến xe buýt được mở đến tất cả các huyện, thị xã. Hệ thống điện được chú trọng cải tạo, nâng cấp, xây mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống. Đến nay đã có 99,5% xã phủ lưới điện quốc gia, 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia. Mạng lưới viễn thông phủ sóng rộng, chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu. Hệ thống cấp nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, rác thải được chú trọng kêu gọi đầu tư. 

            Công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng, nhiều khu dân cư đô thị đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, khang trang bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, một số thị trấn mới được thành lập. Hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, công viên, vườn hoa, cây xanh trong các đô thị được quan tâm đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp. Công tác quản lý, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được chú trọng và có chuyển biến bước đầu.

            Thứ tư là, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc:

            Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2011-2015 ước đạt 90.674 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010; ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, sản phẩm nông nghiệp đa dạng, nhiều sản phẩm có giá trị cao, bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm tiêu biểu như cà fe, tiêu, khoai lang.

            Chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã thực sự đi vào cuộc sống, được đông đảo nhân dân và doanh nghiệp triển khai thực hiện, làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác trên nhiều giống cây trồng, vật nuôi; nhiều mô hình trồng trọt công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ về công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa,… đã được đầu tư và phát triển.

            Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được chú trọng, số vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị phá đều giảm qua từng năm; diện tích rừng trồng mới đạt khá, tăng qua từng năm.

            Cấp ủy và chính quyền các cấp đã chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong nhiệm kỳ vừa qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở nhiều khu vực nông thôn đã được đầu tư xây dựng, nhất là hệ thống đường giao thông, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, các thiết chế văn hóa, thể thao; diện mạo khu vực nông thôn đang từng bước thay đổi theo hướng đồng bộ, văn minh.       

Thứ năm là, phát triển nhanh công nghiệp và xây dựng:

            Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 3.110 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010; trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì ở mức tăng trưởng ổn định, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng chung, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - dịch vụ.

            Công nghiệp khai khoáng đã có bước phát triển đột phá, với việc đầu tư nhà máy Alumin Nhân Cơ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và xây dựng nhà máy điện phân nhôm từ sản phẩm alumin của nhà máy Alumin Nhân Cơ, là cơ hội để phát triển mạnh các ngành công nghiệp sau nhôm, được kỳ vọng sẽ là tiền đề cho ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh sẽ có bước phát triển đột phá trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

            Công nghiệp chế biến nông, lâm sản cũng được quan tâm, tạo điều kiện phát triển; góp phần tạo đầu ra khá ổn định cho ngành nông nghiệp, dự kiến năm 2015 giá trị ngành công nghiệp chế biến đạt gần 2.700 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2010, chiếm trên 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

            Thứ sáu là, Phát triển dịch vụ - du lịch được quan tâm:

Do chính sách thuế của TW thay đổi theo hướng giảm thu từ các hàng hóa nông, lâm sản, vì vậy thu ngân sách địa phương tuy không đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn tăng trưởng bình quân 10,28%/ năm, thể hiện sự cố gắng lớn của các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; chi ngân sách địa phương đạt kế hoạch đề ra, tăng bình quân hàng năm trên 7,04%.

Mạng lưới tín dụng được củng cố, phát triển trên địa bàn toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khá; huy động vốn tăng trưởng bình quân 24%/năm; dư nợ tín dụng tăng bình quân 21%/năm; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, đảm bảo mức an toàn theo quy định. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, nông dân được ưu tiên vay vốn.

Dịch vụ phát triển mạnh, nhiều ngành có mức tăng trưởng khá. Đã hình thành một số loại hình dịch vụ chất lượng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải, du lịch, bưu chính viễn thông, ngân hàng phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ cả giai đoạn ước đạt 46 nghìn tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn là 2.802 triệu USD, tốc độ tăng bình quân là 22,87%; tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn là 400 triệu USD, tốc độ tăng bình quân là 52,3%.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ngành du lịch đã có bước phát triển trong giai đoạn vừa qua, đã bước đầu hình thành ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dựa trên lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và nền văn hóa truyền thống đa dạng của tỉnh; đã kêu gọi, thu hút được một số doanh nghiệp có uy tín đầu tư, kinh doanh du lịch tại tỉnh.

            Thứ bảy là, hệ thống doanh nghiệp - hợp tác xã và kinh tế hợp tác ngày càng được phát triển:

            Đã xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; từng bước xây dựng, phát triển hệ thống doanh nghiệp trong tỉnh có chất lượng ngày càng tốt hơn, đến nay tỉnh đã có hơn 3.200 doanh nghiệp.

            Triển khai rà soát, tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; các doanh nghiệp nhà nước sau sắp xếp từng bước tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bình đẳng với các doanh nghiệp khác theo Luật Doanh nghiệp.

            Các hợp tác xã, tổ hợp tác đang dần được đổi mới, phát triển hướng theo thị trường; qua một sự thành công của một số dự án phát triển sử dụng vốn ODA (dự án 3EM, dự án giảm nghèo bền vững do WB tài trợ,..), đã hình thành một mô hình mới, là nhóm đồng sở thích (cũng có thể gọi là tiền hợp tác xã), đã hoạt động thành công, có thể nhân rộng mô hình này ở tỉnh.

            Đánh giá các tồn tại, hạn chế:

            Thứ nhất là, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn một số hạn chế:

            Công tác tuyên truyền thực hiện quy hoạch trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, công tác giám sát, quản lý quy hoạch của các cơ quan chức năng và các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa phân định rõ trách nhiệm cuả các cơ quan liên quan; một số đồ án quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển hạ tầng chưa được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, chất lượng không cao, chưa thực sự là cơ sở vững chắc cho việc hoạch địch các kế hoạch phát triển, quản lý và quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

           

Thứ hai là, quản lý, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên còn lãng phí và bảo vệ môi trường còn một số mặt chưa tốt:

            Tài nguyên, môi trường, nhất là tài nguyên rừng suy giảm nhanh, hàng nghìn ha rừng bị tàn phá, do việc tổ chức khai thác chưa hợp lý, áp lực của dân di cư tự do và nhiều vấn đề phức tạp khác. Mặc dù đã thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và tăng cường quản lý, nhưng tốc độ suy giảm vẫn diễn ra nhanh, và đó là một trong những nguyên nhân chính làm cho khí hậu, thời tiết, khô hạn, lũ quét diễn biến bất thường. Tài nguyên đất bị suy thoái do quản lý và tổ chức khai thác chưa tốt, làm phát sinh ngày càng nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Việc quy hoạch phát triển thủy điện có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn nhưng đã có những tác động xấu đến tài nguyên đất, rừng và nguồn nước, biến đổi khí hậu, đến đời sống của đồng bào trong vùng dự án.

            Thứ ba là,  xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị còn bất cập:

            Quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị ở tỉnh đã bộc lộ những bất cập, bởi vì trong gần 10 năm qua, tỉnh ta tập trung phát triển đô thị theo hướng đô thị hóa nông thôn, nên việc sử dụng đất bộc lộ tính thiếu cân đối, ở một số tuyến phố mới, khu dân cư đô thị mới, mặc dù đã được đầu tư xây dựng rất đồng bộ, hiện đại nhưng sử dụng chưa hiệu quả, gây lãng phí lớn khi mà hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn thiện, tốn kém lại không được phát huy. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho mục đích công cộng, như công viên, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa - thể thao lại quá ít. Một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng còn kéo dài và chưa thực sự phát huy hiệu quả, công tác vệ sinh môi trường và chỉnh trang đô thị chưa được quan tâm đúng mức.

            Huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn một số hạn chế; hệ thống thủy lợi còn thiếu, xuống cấp và chưa đồng bộ; các công trình cấp nước tập trung hiệu quả sử dụng thấp, quản lý vận hành còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị tuyến y tế cơ sở còn nhiều thiếu thốn; mạng lưới trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên ở một số vùng còn nhiều khó khăn.

            Thứ tư là, lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn một số khó khăn:

            Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp còn yếu kém, dẫn đến một số cây trồng phát triển tràn lan, đầu ra thiếu ổn định, nhiều nơi mang tính tự phát, thiếu bền vững; hệ số sử dụng đất thấp hơn bình quân chung của cả nước; cơ cấu nội ngành nông nghiệp còn dịch chuyển chậm; việc quản lý thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và sử dụng đất ở nông thôn thiếu chặt chẽ, chưa kết hợp hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư.

            Công tác quản lý, khai thác, bảo vệ rừng hiệu quả thấp; trồng rừng thay thế triển khai còn chậm.

            Tiến độ triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn chậm, chưa thực sự trở thành phong trào của toàn dân, dựa vào nguồn lực của dân là chính; những năm qua xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lực từ ngân sách.

            Thứ năm là, công nghiệp và xây dựng đầu tư phát triển chưa đồng bộ:

            Sản xuất công nghiệp có bước phát triển nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra, cũng có phần do quy mô thị trường của ta còn nhỏ bé, xa trung tâm kinh tế lớn, cảng biển; nhưng nguyên nhân chủ yếu là do công tác quy hoạch và kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém nên việc thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp vào tỉnh ta còn nhiều hạn chế, nhiều ngành nghề có thế mạnh về nguyên liệu nhưng chưa phát triển, một số nhà máy đã được đầu tư xây dựng hoàn thành nhưng sản xuất chưa ổn định do gặp khó khăn về nguyên liệu và thị trường. Các sản phẩm có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao phát triển chậm, sức cạnh tranh thấp; thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu đề ra, một số khu, cụm công nghiệp đã được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhưng tỷ lệ lấp đầy còn rất thấp.

Một số khâu trong công tác quản lý đầu tư xây dựng còn chậm, như: công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân, quyết toán công trình, giám sát đầu tư, quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình khi đưa vào sử dụng; năng lực của một số chủ đầu tư và nhà thầu còn hạn chế; chưa có nhiều chính sách mạnh để thu hút các thành phần kinh tế, xã hội tham gia đầu tư phát triển hạ tầng; việc lồng ghép các nguồn vốn để tạo sức mạnh thực hiện các chương trình, mục tiêu thực hiện chưa tốt. Một số chính sách đã được ban hành nhưng tính khả thi không cao. Sự phối hợp giữa các chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong công tác đâu tư xây dựng còn một số mặt chưa tốt.

            Thứ sáu là, dịch vụ - du lịch phát triển chưa hợp lý và tương xứng với tiềm năng:

   Thu ngân sách địa phương không đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ tăng thu ngân sách đạt thấp; tình trạng nợ đọng thuế còn nghiêm trọng, nhưng chậm khắc phục; chưa có giải pháp thích hợp để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất; thu ngân sách địa phương cân đối cho đầu tư phát triển chiếm tỷ lệ quá nhỏ, ảnh hưởng đến việc cân đối trả nợ xây dựng cơ bản.

Mạng lưới tín dụng chủ yếu tập trung tại các khu vực đô thị, thủ tục chưa thuận tiện, khó tiếp cận nguồn vốn. Thị trường tài chính và thị trường bất động sản chưa phát triển.

Hệ thống thương mại phát triển nhưng còn mỏng và phân bố không đồng đều, chủ yếu vẫn là chợ truyền thống; công tác thu hút đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại chậm; chưa tổ chức tốt kênh lưu thông phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá, sản phẩm của địa phương.    

Ngành du lịch vẫn chưa có bước bứt phá, do đầu tư còn dàn trải, thiếu điểm nhấn, chất lượng dịch vụ, các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch vẫn còn thấp; chưa kể những năm gần đây do sức ép dân di cư tự do vào tỉnh khá lớn, không chỉ làm phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mà còn dẫn đến mất rừng, làm cho nhiều cảnh quan thiên nhiên, môi trường bị tàn phá nặng nề, nhiều dòng sông, thác nước bị khô cạn.

            Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác du lịch trên địa bàn cũng thiếu kết nối với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên và các trung tâm kinh tế lớn để cùng nhau xây dựng các tua, tuyến du lịch và xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch địa phương, liên kết vùng còn yếu.

            Thứ bảy là, hệ thống doanh nghiệp - hợp tác xã và kinh tế hợp tác còn nhỏ bé, hiệu quả chưa cao:

            Hệ thống doanh nghiệp và kinh tế hợp tác của tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, sản phẩm giản đơn, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng thấp. Nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đã ban hành nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện; kinh tế tập thể chưa thực sự đem lại hiệu quả, nhiều hợp tác xã còn gặp khó khăn về vốn, trình độ quản lý, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo chúng tôi định hướng chung trong giai đoạn tiếp theo 2016-2020 của tỉnh cần tiếp tục phát huy những mặt đã đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, tồn tại; đổi mới toàn diện, căn bản về giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của địa phương cho sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, chuyển nền kinh tế của tỉnh dần phát triển theo chiều sâu; tích cực thu hút đầu tư và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, tạo động lực mới cho nền kinh tế, để xây dựng Đắk nông trở thành tỉnh phát triển đạt mức trung bình của cả nước.

Trong giai đoạn phát triển mới, yêu cầu đặt ra là đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ vững sự ổn định về chính trị, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

            Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện quy hoạch trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, công tác giám sát, quản lý quy hoạch của các cơ quan chức năng và các địa phương phải được quan tâm đúng mức, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển hạ tầng; cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các đồ án quy hoạch, để thực sự là cơ sở vững chắc cho việc hoạch định các kế hoạch phát triển, quản lý và quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

            Tập trung xây dựng quy hoạch các sản phẩm chiến lược của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó đề ra các kế hoạch, giải pháp để đầu tư phát triển các sản phẩm này. Triển khai rà soát các quy hoạch tổng thể của huyện, thị xã, các quy hoạch ngành, sản phẩm cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tình hình thực tế của địa phương.

Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố và quản lý quy hoạch; tăng cường công tác quản lý và giám sát chặt chẽ việc thực hiện theo quy hoạch. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành về quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đô thị.

            Quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, khí hậu, khoáng sản.v.v., tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng; bố trí đất ở và đất sản xuất để ổn định đời sống cho dân di cư tự do và đảm bảo sinh kế cho nhân dân trong khu vực vùng đệm bảo vệ rừng, phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Có biện pháp chủ động và lâu dài, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng tài nguyên đất bị suy thoái do quản lý và tổ chức khai thác chưa hiệu quả.

   Thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá tác động môi trường trong công tác thẩm định và cấp phép đầu tư; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp..., xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về môi trường. Khai thác thế mạnh tài nguyên đất đai, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thổ sau khai thác bau xít, triển khai nghiên cứu, xác định cây trồng cải tạo thổ nhưỡng có thể đưa vào sản xuất ngay sau khi hoàn thổ. Nghiên cứu cơ chế, chính sách thuê đất và hỗ trợ đời sống cho các đối tượng có diện tích đất khai thác bau xít.

 

            Huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, vận động các nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông chính; đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Gia Nghĩa. Đức Lập, Kiến Đức và các đô thị khác theo quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để làm cơ sở lập dự án đầu tư và thực hiện đầu tư phát triển đô thị.

            Ban hành chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo các hình thức PPP, ODA và các hình thức xã hội hóa khác; đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, các khu, cụm công nghiệp, y tế, giáo dục. Xây dựng đường biên giới và đường vận hành khai thác khoáng sản; kiến nghị đưa sân bay Nhân Cơ và đường sắt vào danh mục quy hoạch giao thông Quốc gia. Hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ dự án Cấp điện nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020; đầu tư hệ thống kênh mương, nâng cấp hệ thống hồ đập; đảm bảo cấp điện, cấp, thoát nước và viễn thông, internet cho yêu cầu của nền kinh tế và xã hội; hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế cơ sở, xóa phòng học tạm, mượn. Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.

   Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo sự chuyển biến mạnh mạnh mẽ trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo mũi đột phá về nông nghiệp ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ ổn định

Nâng cao chất lượng và hoàn thiện các quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh để làm cơ sở thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; theo hướng xác định phát triển một số cây trồng, vật nuôi, sản phẩm chủ lực của tỉnh, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, có hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp chất lượng cao đạt trên 30 ngàn ha với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha, các vùng sản xuất chuyên canh. Củng cố và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực của Đắk Nông, phấn đấu trong giai đoạn xây dựng được 5 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Tăng cường quản lý chất lượng đầu vào, đầu ra trong sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi; phát triển đàn gia súc, gia cầm; cải tạo giống bò địa phương; chủ động theo dõi và xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tận dụng hợp lý mặt nước các công trình thủy lợi, thủy điện để phát triển nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020 lên 12%.

Khuyến khích các doanh nghiệp và nhân dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương; hỗ trợ thành lập các nhóm đồng sở thích (nhóm GIS), liên kết sản xuất và kết nối thị trường, sản xuất theo chuỗi giá trị, từ mô hình thành công của dự án 3EM.

            Thực hiện tái cấu trúc các nông lâm trường theo Quyết định 686/QĐ-TTg, ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết 30-NQ/TW, Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ; kích thích, phát huy vai trò của kinh tế hợp tác. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế; chuyển đổi diện tích đất khó khăn nguồn nước tưới sang trồng rừng kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiệp vụ quản lý rừng và xử lý rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 48%.

Rà soát, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có đảm bảo an toàn vào mùa mưa, đủ nước tưới vào mùa khô; phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ đa chức năng, chú trọng phát triển hệ thống kênh mương.

   Đẩy mạnh tuyên truyền trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự là phong trào của toàn dân, dựa vào nguồn lực của nhân dân là chính. Tập trung, huy động và lồng ghép các nguồn lực xã hội. Phấn đấu mỗi năm tăng thêm bình quân từ 2 tiêu chí/xã, riêng các xã điểm đạt từ 3 tiêu chí/xã trở lên, đến năm 2020 có 18 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

   Xây dựng các chính sách, đổi mới công nghệ, xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định để phát triển ngành công nghiệp chế biến và khai khoáng, tạo sự đột phá cho nền kinh tế:

Phát triển công nghiệp khai khoáng và vật liệu xây dựng, đặc biệt là công nghiệp Alumin và luyện nhôm; thực hiện quy hoạch và phát triển công nghiệp chế biến sau nhôm và các ngành công nghiệp phụ trợ, xem đây là trọng điểm về đột phá kinh tế của tỉnh. Đồng thời, chú trọng thu hút và tập trung cho các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông - lâm sản, những ngành công nghiệp tỉnh có thế mạnh.

            Đẩy mạnh thu hút đầu tư và nâng cao tỷ lệ đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp Tâm Thắng, Nhân Cơ, Đắk Ha, Thuận An và các cụm công nghiệp tại các huyện, thị xã. Xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng có nguyên liệu dồi dào tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

            Phát triển dịch vụ - du lịch:

   Xây dựng các chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; ban hành các chính sách để huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng tạo và nuôi dưỡng các nguồn thu cho ngân sách, có chính sách thích hợp để khai thác quỹ đất cho phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu và nợ đọng thuế; quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả; đảm bảo cân đối tối thiểu 20% tổng thu ngân sách địa phương hàng năm cho đầu tư phát triển. Củng cố, khuyến khích mở rộng, phát triển mạng lưới các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh; ưu tiên cho các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến và hỗ trợ thương mại, tìm kiếm thị trường bền vững, đặc biệt các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn; phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, hoạt động xúc tiến hỗ trợ thương mại để mở rộng thị trường.  Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, tăng giá đột biến. Phát triển dịch vụ vận tải, mở rộng địa bàn phục vụ đến các vùng có điều kiện kinh tế - xă hội khó khăn. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phát triển, mở rộng các tuyến vận tải đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch, chú trọng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa đa dân tộc, các thác nước và hang động núi lửa; nâng cao chất lượng dịch vụ, các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch; khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh.

   Tập trung nguồn lực và công tác thu hút đầu tư để đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch: Dray Sáp - Trinh Nữ, Thiền viện Trúc lâm Đạo Nguyên và thác Lưu Ly; khu du lịch sinh thái và văn hóa Liêng Nung; hệ thống hang động Núi Lửa; cụm các hồ Trung tâm, Thiên Nga và Đắk R’Tih; thác Đăk Blung; khuyến khích phát triển các khu, điểm du lịch mới theo hình thức xã hội hóa, tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặt trưng, độc đáo, đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác du lịch trên địa bàn cũng phải tăng cường kết nối với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên và các trung tâm kinh tế lớn để cùng nhau xây dựng các tua, tuyến du lịch và xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch địa phương.

            Phát triển hệ thống doanh nghiệp - hợp tác xã và kinh tế hợp tác:

            Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế để nhận thức đúng đắn chủ trương và chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, có cơ chế, chính sách xây dựng các doanh nghiệp lớn có tính đón đầu trong các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, tích cực tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nội lực để thu hút các nguồn vốn FDI vào địa phương. Công tác xúc tiến, vận động đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm hướng vào các nhà đầu tư lớn, các lĩnh vực ưu tiên, thu hút đầu tư với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo tỉnh, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư ngay từ ban đầu tiếp xúc, làm việc; đồng thời chú trọng đến việc giữ mối liên hệ thường xuyên, liên tục với các dự án tốt, các nhà đầu tư tiềm năng.

            Tạo mọi điều kiện để các dự án FDI đang hoạt động tại địa phương có hiệu quả, chính quyền địa phương luôn “thân thiện”, luôn “sẵn sàng giúp đỡ” các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư, làm ăn tại địa phương; điều này tạo nên những “ấn tượng tốt” cho họ; và cũng chính họ sẽ là cầu nối, là những “nhà xúc tiến đầu tư thứ cấp” kêu gọi các nhà đầu tư từ đất nước họ đến đầu tư, làm ăn tại địa phương.      

Tăng cường mối quan hệ với các cơ quan ngoại giao, đặc biệt là các Đại sứ quán (Lãnh sự quán) tại các nước có nguồn vốn đầu tư lớn, có truyền thống phát triển những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn của tỉnh; để thông qua họ, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của địa phương, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư mục tiêu đến địa phương…

File đính kèm:
Ths. Trần Xuân Hải
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 478
ngày hôm nay 18
ngày hôm qua 3755
tuần này 15029
tất cả 254042