TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Doanh nghiệp có quyền từ chối thanh tra thuế
Đăng ngày: (08-04-2015); Số lượt đọc: 409
Ngành Thuế sẽ có các tiêu chí rõ ràng để xác định doanh nghiệp nào bị thanh tra, kiểm tra. “Nếu thấy quyết định thanh tra, kiểm tra không đúng, doanh nghiệp có quyền bác bỏ, từ chối”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

Đây là một trong những điểm mới nổi bật nhất về nhiệm vụ cải cách thủ tục thuế trong 2 năm 2015-2016.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tại Nghị quyết số 19/NQ-CP vừa được ban hành, Chính phủ đã bổ sung thêm 3 nội dung mới về cải cách thủ tục hành chính thuế, gồm hoàn thuế; thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại về thuế.

Chấm dứt tình trạng "không bệnh mà phải uống thuốc"

Thừa nhận hoàn thuế “quả là vấn đề bức xúc với doanh nghiệp hiện nay”, Thứ trưởng cho biết một vài số liệu: Năm 2014, số tiền hoàn thuế là 93 nghìn tỷ đồng, với 113 nghìn bộ hồ sơ. Hàng trăm nghìn bộ hồ sơ này được chia làm 2 loại để kiểm tra: Loại kiểm trước hoàn sau, thời gian kiểm tra không quá 40 ngày, loại hoàn trước kiểm sau thì không quá 6 ngày.

Rõ ràng, đây là một chỉ tiêu ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu năm 2015, phải bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định. Để làm việc này, Bộ quyết định sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất, công khai toàn bộ tình trạng hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ nào đang giải quyết, chưa giải quyết, đã giải quyết. Sau khi vận hành an toàn, cơ sở dữ liệu này sẽ được công khai.

Về việc thanh kiểm tra, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phải đạt tối thiểu 15% trong 488 nghìn doanh nghiệp. Nhưng hiện nay chưa có tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để thanh tra kiểm tra. Kết quả, “thanh tra kiểm tra đang là một gánh gặng của doanh nghiệp, không phân biệt người gian kẻ tốt”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Nghị quyết 19 yêu cầu trước ngày 30/6 năm nay, Bộ Tài chính phải ban hành một bộ tiêu chí quản lý rủi ro trong thuế, làm căn cứ xem ai bị kiểm tra, thanh tra thuế, ai không bị thanh kiểm tra. Đây là tiêu chuẩn quốc tế rất quan trọng, để làm sao khi nhận quyết định của cơ quan thuế, doanh nghiệp có quyền bác yêu cầu thanh tra, kiểm tra, nếu chấp nhận yêu cầu đó thì cũng phải công khai, rõ ràng. 

Các đối tượng nộp thuế sẽ được phân thành 7 loại về mức độ chấp hành các quy định thuế. “Như người đi khám bệnh, ai bị bệnh nào thì uống thuốc ấy, chứ không phải tất cả đều uống một loại thuốc như nhau”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn so sánh.

Về xử lý khiếu nại, Bộ Tài chính cho biết hàng năm, ngành Thuế tiến hành thanh tra kiểm tra với khoảng 150 nghìn doanh nghiệp, thì có tới một phần ba, thậm chí có những năm đến 40% doanh nghiệp không bằng lòng với kết quả.

Trước tình hình này, Nghị quyết 19 yêu cầu bảo đảm tối thiểu 90% khiếu nại, vướng mắc của doanh nghiệp về thuế phải được giải quyết trong hạn định. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, người ra quyết định thanh tra kiểm tra phải lấy ý kiến tư vấn của hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan để kết luận thanh tra và xử lý khiếu nại.

Theo Thứ trưởng, đây là kinh nghiệm rất hay của G20. “Dĩ nhiên người ra quyết định vẫn phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu đã có tư vấn rồi mà anh vẫn sai thì anh phải chịu trách nhiệm lớn hơn”, ông Tuấn nói.

90% doanh nghiệp sẽ ngồi nhà nộp thuế

Ngoài ra, để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 19, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là ứng dụng CNTT ở cấp độ 4, nghĩa là cơ quan thuế phải tiếp nhận hồ sơ, chứng từ và gửi trả kết quả qua mạng Internet.

Hiện đã có khoảng 90% doanh nghiệp khai thuế điện tử, song mới chỉ có hơn 40.000 trong tổng số gần 490.000 doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.

Được biết, trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng về cải cách thủ tục thuế, Bộ Tài chính đã cam kết trước 30/9/2015 sẽ có ít nhất 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, gấp 10 lần so với hiện nay (8,5%).

Tương tự, thủ tục hoàn thuế sẽ được thực hiện hoàn toàn qua mạng từ khâu nộp hồ sơ cho đến trả kết quả, tối thiểu đạt 60% vào cuối tháng 9/2015 và 90% trước tháng 9/2016.

Tuy nhiên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với khu vực thể nhân và kinh doanh cá thể vẫn còn khá hạn chế. Trong năm nay, ngành Thuế phải làm sao để hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, 72.000 người có nhà cho thuê, 2 triệu người nộp thuế trước bạ và trên 16 triệu hộ/cá nhân nộp thuế phi nông nghiệp có thể khai qua mạng Internet và tiến tới nộp thuế điện tử để ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào.

Được biết, Ngân hàng Thế giới sắp tới sẽ bổ sung 3 tiêu chí “hoàn thuế”, “thanh tra kiểm tra” và “giải quyết khiếu nại” vào chỉ tiêu “nộp thuế” trong báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là một khó khăn với Việt Nam trong việc cải thiện thứ hạng môi trường kinh doanh, dù ngành Thuế đã tiến hành nhiều cải cách quyết liệt thời gian qua.

File đính kèm:
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 143
ngày hôm nay 2477
ngày hôm qua 3755
tuần này 17488
tất cả 256501