TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
HIẾN PHÁP NĂM 2013 VÀ CUỘC THI “TÌM HIỂU HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”
Đăng ngày: (17-03-2015); Số lượt đọc: 1806
Năm 2015, là năm đánh dấu của chặng đường gần 70 năm ra đời và phát triển Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam kể từ khi bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946. Gần đây nhất, bản Hiến pháp mới của nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013.

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

Trong lịch sử lập hiến của nước ta, kể từ khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 đến nay đã có các bản Hiến pháp vào những năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013. Sự ra đời của Hiến pháp là thành quả của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc lâu dài của dân tộc ta, bản thân mỗi bản Hiến pháp có hoàn cảnh lịch sử ra đời đặc biệt, có vai trò quan trọng và giá trị to lớn đối với cả dân tộc Việt Nam trong từng giai đoạn. Mặc dù trải những lần sửa đổi, làm mới Hiến pháp nhiều lần, trên tinh thần kế thừa những hạt nhân và phù hợp với tình hình thực tế, xong các bản Hiến pháp đã khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam, như một bản “hợp đồng” xác định quyền và nghĩa vụ của một bên là nhân dân với một bên là bộ máy nhà nước lãnh đạo, xây dựng thể chế, tổ chức quyền lực của bộ máy nhà nước. Về tổng thể nội dung cơ bản của một bản Hiến pháp bao gồm các quy định về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Hiến pháp năm 2013 được thông qua tại kì họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 với tinh thần tiếp tục khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đây là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Hiến pháp năm 2013 có 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992. 

Lời nói đầu của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở chắt lọc, từ ngữ để nêu bật được một cách ngắn gọn, súc tích tinh thần, nội dung của Hiến pháp, phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc, thể hiện rõ mục tiêu dân chủ và khẳng định chủ quyền của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chương I: Chế độ chính trị, gồm 13 điều (từ điều 1 đến điều 13), được xây dựng trên cơ sở viết gọn lại tên Chương I của Hiến pháp năm 1992 và đưa các quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh tại Chương XI của Hiến pháp năm 1992 vì đây là những nội dung gắn liền với chế độ chính trị quốc gia. Hiến pháp năm 2013 bổ sung và phát triển nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, nguyên tắc “ kiểm soát quyền lực” và “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp” được ghi nhận trong Hiến pháp. Đồng thời bổ sung điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng “phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. 

Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, gồm 36 điều (từ điều 14 đến điều 49), được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V của Hiến pháp năm 1992, đồng thời chuyển các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân tại các chương khác của Hiến pháp 92 về Chương này. Sự thay đổi về tên gọi và bố cục này nhằm khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp, thể hiện nhất quán đường lối của đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 bổ sung một số quyền mới là quyền sống; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá; quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành. 

Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và mội trường, gồm 19 điều (từ điều 50 đến điều 68), được xây dựng trên cơ sở lồng ghép chương II và Chương III của Hiến pháp năm 1992 nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Hiến pháp năm 2013 bổ sung một điều quan trọng về chính sách tài chính công (điều 55) nhằm khẳng định vai trò của tài chính công, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng tài chính công

Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc, gồm 5 điều (từ điều 64 đến điều 68), được xây dựng trệ cơ sở giữ nội dung và bố cục của Chương IV Hiến pháp năm 1992, xác định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. 

Chương V: Quốc hội, gồm 17 điều (từ điều 69 đến điều 85). Vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cơ bản giữ như quy định của Hiến pháp năm 1992; đồng thời có sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp và mối quan hệ giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. 

Chương VI: Chủ tịch nước, gồm 8 điều (từ điều 86 đến điều 93), tiếp tục giữa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội, đối ngoại, bổ sung để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. 

Chương VII: Chính phủ, gồm 8 điều (từ điều 94 đến điều 101), tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bổ sung quy định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành  pháp. 

Chương VIII: Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, gồm 8 điều (từ điều 102 đến điều 109), được đổi vị trí từ Chương X “Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân” của Hiến pháp năm 1992. Chương này được thể hiện logic, chặt chẽ, đi từ vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức và hoạt động đến tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. 

Chương IX: Chính quyền địa phương, gồm 7 điều (từ điều 110 đến điều 116), được xây dựng trên cơ sở đổi tên Chương IX của Hiến pháp năm 1992 và quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính, còn những vấn đề về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do luật định.

Chương X: Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán nhà nước, gồm 2 điều (từ điều 117 đến điều 118), bổ sung 2 thiết chế hiến định độc lập gồm Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước để làm rõ hơn quyền làm chủ của nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN. 

Chương XI: Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp, gồm 2 điều (từ điều 119 đến điều 120), tiếp tục khẳng định Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp; đồng thời bổ sung và quy định rõ mọi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý; quy định trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan nhà nước cũng như toàn dân trong việc bảo vệ Hiến pháp.

 

2. Cuộc thi viêt “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Để thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 22/9/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2157/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thông qua cuộc thi này, nhằm phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức,lực lượng vũ trang, người lao động góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển đất nước vững mạnh, tăng cường khả năng tự vệ, đảm bảo toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Cuộc thi được phát động trên khắp cả nước, được các cấp chính ở địa phương quan tâm. Tại tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập Ban Tổ chức và Tổ thư kí cuộc thi, ban hành Quyết định 1561/QĐ-UBND, ngày 17 tháng 10 năm 2014, ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm phát động tổ chức cuộc thi trên phạm vi toàn tỉnh và để thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia đã giao nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan phổ biến cuộc thi này tại các cấp, sở, ngành trong tỉnh. Ngày 27 tháng 11 năm 2014, Ban Tổ chức cuộc thi đã ban hành Thể lệ số 5220/TL-BTC, Thể lệ cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo Thể lệ cuộc thi, bằng hình thức thi viết tay hoặc đánh máy, mỗi thí sinh tham gia sẽ trả lời 9 câu hỏi của BTC đưa ra, các câu hỏi chủ yếu tập chung khai thác các nội dung quan trọng của bản Hiến pháp mới năm 2013. Hạn cuối nộp bài dự thi ở cấp huyện là 17h ngày 30/6/2015; ở cấp tỉnh (bài dự thi của các cá nhân đang công tác, học tập tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh và cơ quan Trung ướng đóng trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa) là 17h ngày 30/7/2015. Giải thưởng ở cấp tỉnh: 1 giải nhất: 3.000.000 VNĐ; 3 giải nhì, mỗi giải: 2.000.000 VNĐ; 6 giải ba, mỗi giải 1.000.000 VNĐ; 10 giải khuyến khích, mỗi giải: 600.000 VNĐ. Giải thưởng ở cấp huyện do BTC huyện quy định, ngoài ra còn một số hình thức khen thưởng khác.

Để biết thêm thông tin chi tiết về cuộc thi và bộ câu hỏi, bạn đọc có thể tải Thể lệ cuộc thi Tại đây.

File đính kèm:
Nguyễn Văn Tám - Sở KH&ĐT
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 96
ngày hôm nay 3285
ngày hôm qua 1437
tuần này 9311
tất cả 185000