TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Thực trạng hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Đăng ngày: (16-01-2015); Số lượt đọc: 719
Khi mới thành lập tỉnh Đắk Nông có 150 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 320 tỷ đồng, đến nay số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh là 3.271 doanh nghiệp

1. Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp

Khi mới thành lập tỉnh Đắk Nông có 150 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 320 tỷ đồng, đến nay số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh là 3.271 doanh nghiệp (trong đó: 22 doanh nghiệp nhà nước; 2.556 ngoài nhà nước và 693 đơn vị trực thuộc) với tổng số vốn đăng ký là 22.730,8 tỷ đồng (tăng 21,8 lần về số lượng doanh nghiệp và 71 lần số vốn đăng ký). Như vậy, có thể thấy rằng xu thế các doanh nghiệp tăng lên không chỉ về số lượng mà còn cả về quy mô của từng doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng qua các năm. Năm 2004, số vốn đăng ký trung bình của một doanh nghiệp là 2.13 tỷ/doanh nghiệp thì đến năm 20148,81 tỷ/ doanh nghiệp.

2. Tiềm lực và hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp

2.1. Nguồn vốn:

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có tổng số khoảng 1.889 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm 1.530 doanh nghiệp và 359 đơn vị trực thuộc (chiếm 57,75% doanh nghiệp đăng ký). Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước có 22 doanh nghiệp chiếm 1,16%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 1.160 doanh nghiệp chiếm 98.46%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 7 doanh nghiệp chiếm 0.37% và tất cả đều là 100% vốn nước ngoài không có liên doanh.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm 99,23%; có 49 DN có vốn điều lệ đăng ký là trên 50 tỷ đồng, chiếm 0,77% (trong đó: 11 doanh nghiệp có vốn điều lệ đăng ký trên 200 tỷ đồng, 13 doanh nghiệp có vốn điều lệ đăng ký 150 tỷ đồng, 20 DN có vốn điều lệ đăng ký trên 100 tỷ)

Về cơ cấu theo ngành nghề: Các doanh nghiệp tại Đắk Nông phân bố khá đồng đều các ngành nghề. Tuy nhiên tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực bán lẻ, bán buôn là 788 doanh nghiệp; công nghiệp, xây dựng, chế biến, chế tạo  là 424 doanh nghiệp; nông lâm nghiệp, thủy sản 98 doanh nghiệp; Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác là 82 doanh nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác;

Trong thời gian qua cơ cấu về số lượng các doanh nghiệp hoạt động biến đổi không nhiều. Tuy nhiên, cơ cấu này có xu hướng tăng nhẹ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, giảm nhẹ đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và tăng nhẹ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

2.2. Chất lượng nhân lực của doanh nghiệp:

Đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp còn rất thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng kinh nghiệm quản lý. Số lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ thạc sỹ chỉ có 0,048%, không có tiến sỹ, lao động có trình độ đại học chiếm 8,48%, cao đẳng chiếm 6,2 %, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 12%, sơ cấp 3,3% và lao động phổ thông, dưới phổ thông chiếm tỷ lệ khá cao gần 70%. Có thể nói, đa số các chủ doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, quản lý, kinh tế – xã hội, văn hóa, luật pháp… và kỹ năng quản trị kinh doanh. Điều đó được thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt công tác quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp…

2.3. Máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp:

Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sử dụng máy móc, thiết bị còn lạc hậu 76% máy móc, dây chuyền công nghệ được sản xuất từ những năm 1950 – 1960, 73% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% số thiết bị là đồ tân trang… Tóm lại, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ có 10% hiện đại, 40% trung bình và 50% là lạc hậu và rất lạc hậu; tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chi phí khoảng 0,2% – 0,3% tổng doanh thu.

3. Vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển

Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, góp phần phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội như tạo thêm việc làm cho người lao động.

Trong năm 2013, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng thuế và các khoản nộp khác vào ngân sách Nhà nước là 839,64  tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp Nhà nước nộp 298,26 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân nộp 475,3 tỷ đồng và doanh nghiệp nước ngoài nộp 66,07 tỷ đồng. Trong 11 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng thuế và các khoản nộp khác vào ngân sách Nhà nước là 879,1 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp Nhà nước nộp 471,5 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân nộp 407,59 tỷ đồng và doanh nghiệp nước ngoài nộp 88,72 tỷ đồng.

Tổng giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp thực hiện năm 463 triệu USD, năm 2014 là 686 triệu USD. Tuy nhiên, việc đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh không đều giữa các doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ có doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu, các doanh nghiệp Nhà nước chỉ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước. Trong đó, doanh nghiệp nước ngoài đóng góp chủ yếu chiếm từ 80% - 90%.

Đối với vấn đề xã hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tính đến nay đã tạo được 19.300 việc làm cho người lao động. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu trong việc tạo việc làm chiếm 82,8%, khu vực Nhà nước đóng góp 14,5% và khu vực nước ngoài đóng góp thấp nhất với 2,69%.

Mặc dù, Đắk Nông là địa phương có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không nhiều so sánh với các tỉnh xung quanh và còn rất non trẻ nhưng có ý chí kinh doanh và quyết tâm vươn lên. Các doanh nghiệp, đã nhanh chóng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, từng bước thích nghi với thị trường, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, cải tiến công tác quản lý… góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.

Như vậy, mặc dù mới ra đời và phát triển nhưng các doanh nghiệp Đắk Nông đã thực hiện được tính năng động, linh hoạt thích ứng với điều kiện hội nhập và kết quả hoạt động là tích cực rất đáng khích lệ. Trong đó, một số doanh nghiệp đã khẳng định được uy tín, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu của mình trên thị trường trong nước. Hoàn toàn có cơ sở khẳng định rằng, các doanh nghiệp Đắk Nông đang và sẽ trở thành đội quân chủ lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

4. Năng lực cạnh tranh cạnh của doanh nghiệp và sản phẩm trong chuỗi giá trị

Với quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý còn hạn chế, các doanh nghiệp tại Đắk Nông đang đứng trước những thử thách rất to lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thị phần của các doanh nghiệp này rất nhỏ trong thị trường nội địa cũng như trong thị trường của riêng tỉnh. Quá trình tự do hóa kinh tế đã cởi trói các doanh nghiệp song cũng đặt ra nhiều thử thách cho các doanh nghiệp hiện đang hoạt động. Việc đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm trên cơ sở những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thời gian qua cũng là những sức ép cạnh tranh lớn cho không chỉ những doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện tại sức ép cạnh tranh lên toàn bộ các doanh nghiệp ngày càng cao, đặc biệt là xét về khía cạnh khả năng xuất hiện các đối thủ cạnh tranh trong tương lai; Sức ép từ các nhà cung ứng và tiêu thụ; khả năng xuất hiện những sản phẩm mới thay thếsố lượng những nhà cung ứng đầu vào.

5. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức

 

Điểm mạnh

Điểm yếu

- Doanh nghiệp mới, doanh nhân trẻ là đa số, năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên, khẳng định mình là thế mạnh đáng kể nhất để doanh nghiệp trong tỉnh vươn lên phát triển trong tương lai.

- Doanh nghiệp trưởng thành từ sự phát triển của tỉnh nên am hiểu sâu đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh, cơ hội, thị trường và môi trường kinh doanh địa phương. So với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa bàn thì đây là lợi thế đáng kể, cần được tận dụng hiệu quả.

- Phần lớn các doanh nghiệp có nền tảng nguồn lực lớn về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vùng nguyên liệu nông nghiệp… dồi dào, phong phú (cũng là các lợi thế của địa phương) để phát triển sản xuất kinh doanh về nông nghiệp; khai thác, chế biến khoáng sản; chế biến nông sản…

 

 

 

 

 

 

- Phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh trưởng thành từ kinh doanh nông hộ và tiểu thương nên có một số yếu điểm đặc trưng:

+ Đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tận dụng một số lợi thế về nguồn nguyên liệu và tài nguyên để kinh doanh, nên thiếu sức cạnh tranh, bị phụ thuộc vào các đối tác trong chuỗi giá trị.

+ Thiếu trầm trọng nguồn vốn để mở rộng, đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các tài sản nguồn lực lại chưa đáp ứng các điều kiện pháp lý để thế chấp, vay vốn từ ngân hàng. Do đó, thiếu nguồn vốn, năng lực tài chính chưa đảm bảo là điểm yếu kém nhất của doanh nghiệp trong tỉnh.

+ Quản trị doanh nghiệp theo mô hình gia đình lạc hậu, thiếu hiệu quả, thiếu kiến thức về kinh doanh, pháp lý, thiếu kỹ năng quản trị, nên doanh nghiệp thiếu chiến lược phát triển dài hạn, dễ gặp khó khăn khi trường biến động.

- Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế, máy móc và quy trình kinh doanh còn lạc hậu, thiếu hiệu quả, lãng phí tài nguyên dẫn đến giá trị mang lại trong chuỗi giá trị rất thấp.

- Nguồn nhân lực yếu, thiếu trầm trọng nhân lực quản trị và kỹ thuật trình độ cao. Lao động phổ thông thì tay nghề yếu, kỷ luật và nhận thức lao động còn kém, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp… dẫn đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn yếu và không ổn định.

- Doanh nghiệp sử dụng nguồn lực về đất đai, khoáng sản, rừng còn rất hạn chế, thiếu hiệu quả, dẫn đến còn lãng phí các nguồn lực là thế mạnh của doanh nghiệp tỉnh ta.

Thời cơ

Thách thức

- Do tỉnh mới thành lập nên doanh nghiệp trong tỉnh có một số thời cơ cần phải nắm bắt:

+ Thị trường chưa phát triển, hệ thống doanh nghiệp còn mỏng, nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư chưa được khai thác. Đồng thời, do môi trường kinh doanh đi sau các tỉnh, thành trong cả nước nên tận dụng được lợi thế đi sau, để học hỏi các kinh nghiệm kinh doanh, đầu tư của các tỉnh, thành…để áp dụng vào địa phương.

+ Nguồn lao động lớn dịch chuyển vào tỉnh để đáp ứng nhu cầu lao động thiếu hút nội tỉnh, đây là thời cơ để các doanh nghiệp trong tỉnh thu hút nguồn lao động quản lý và kỹ thuật, lẫn nguồn lao động phổ thông để phục vụ sản xuất kinh doanh trong dài hạn.

+ Sự ưu tiên đầu tư từ Trung ương để phát triển cơ sở hạ tầng là cơ hội để các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư dài hạn, sẽ nắm bắt thị phần khi hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ. Bên cạnh đó, tận dụng đầu tư từ các dự án ngân sách, các doanh nghiệp có tiềm lực trên địa bàn có thể tham gia vào quá trình xây dựng cơ bản là một cơ hội đáng kể.

- Các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư cho địa bàn mới thành lập, địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn…do Trung ương và tỉnh ban hành, sẽ là các cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí về thuế, phí, chi phí đầu tư, tham gia thị trường để tăng sức cạnh tranh.

- Tỉnh có lợi thế, tiềm năng rất lớn về khoáng sản, đất đai, vùng nguyên liệu của các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp… là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt, khai thác hiệu quả.

- Các dự án đầu tư lớn do các tập đoàn, công ty lớn của Nhà nước, nhà đầu tư lớn ngoài tỉnh, ngoài nước đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Nhà máy luyện nhôm Đắk Nông, Chế biến gỗ MDF,… là cơ hội để các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, công nghiệp phụ trợ, chuỗi chế biến sâu sản phẩm.

- Sự tiên phong và quan tâm ngày càng sâu sát của Lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ xử lý khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư (chỉ số PCI) ngày càng được cải thiện sẽ là các lợi thế về pháp lý cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư, kinh doanh.

- Sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta vào thị trường thế giới, các hiệp ước đa phương và song phương FTA được ký kết, sẽ là cơ hội để sản phẩm trong nước, trong đó có các sản phẩm thế mạnh của tỉnh ta như: Cà phê, tiêu , cao su, alumin, nhôm, gỗ MDF… mở rộng thị trường, được giảm bớt các rào cản thương mại, để tăng khối lượng, giá trị sản xuất, xuất khẩu.

- Thị trường nội tỉnh phát triển, các tiềm năng của tỉnh dần hiện hữu, sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp có tiềm lực (cả về tài chính, nhân sự, công nghệ), nhất là các công ty lớn trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư sẽ khiến cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, gây thách thức to lớn cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

- Khó khăn về nguồn lực tài chính sẽ chậm được khắc phục đến từ 02 phía là doanh nghiệp và ngân hàng. Thách thức từ các ngân hàng là điều kiện tiếp cận vốn còn khó khăn, trong khi tỉnh chưa có các chính sách, quỹ hỗ trợ hoạt động hiệu quả…sẽ còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

- Nhìn chung, hiện tại và trong ngắn hạn, cơ sở hạ tầng liên vùng, liên tỉnh của tỉnh ta còn khó khăn, chưa được đồng bộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giao thương, chuyên chở hàng hóa, đẩy chi phí kinh doanh, khó khăn trong việc thu hút, kêu gọi, liên kết đối tác kinh doanh.

- Nhìn chung, trong ngắn hạn thị trường quy mô còn nhỏ bé, đội ngũ lao động còn yếu kém về quy mô lẫn trình độ sẽ còn là thách thức cho các doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư còn chậm, chưa đạt yêu cầu, còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các khâu về đất đai, xây dựng, môi trường… còn là thách thức không nhỏ của doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

- Tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nội tỉnh, trong đó ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh.

6. Một số định hướng giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian đến

Để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, Về cải cách hành chính: Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp của UBND tỉnh có đủ thẩm quyền để nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp.

Hai là, Về quy hoạch, chính sách: Rà soát một cách có hệ thống toàn bộ quy hoạch trực tiếp liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như: Quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch địa điểm xây dựng, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch về ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Đồng thời bố trí đủ nguồn lực đảm bảo các chính sách được thực hiện khi nhà đầu tư triển khai dự án.

Ba là, Về hỗ trợ đầu tư (Đất đai, xây dựng, tín dụng…): Nghiên cứu thông lệ tốt tại một số tỉnh trong cả nước để đề xuất mô hình tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất kinh doanh.

 Xác định giá đất các khu vực cần kêu gọi  doanh nghiệp đầu tư. Việc xác định giá đất phải được xây dựng một cách hợp lý, vừa đảm bảo lợi ích của ngân sách, vừa phù hợp với định hướng ưu tiên mời gọi đầu tư của Tỉnh đối với từng lĩnh vực, trong từng thời kỳ, phù hợp với mặt bằng giá cả và có tính liên kết vùng.

Thành lập Quỹ tín dụng doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, khuyến khích các ngân hàng tăng cường vốn tín dụng cho vay đầu tư, sản xuất kinh doanh; Đối với những dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế -xã hội cao, tỉnh cần đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp được vay vốn từ các ngân hàng.

Nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính của tỉnh cho các doanh nghiệp.

Bốn là, Về nguồn nhân lực: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp. Thực hiện sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các trung tâm đào tạo nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động để tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Năm là, Về hỗ trợ phát triển thị trường, quảng bá sản phảm: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và thương mại, qua đó giúp các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tập trung vào kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh phân phối bền vững cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp như: khoai lang, tiêu, cà phê, gỗ,... hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.

Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh và tham gia hội chợ triển lãm thuộc lĩnh vực ngành công thương do các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổ chức để giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, liên doanh, liên kết và hợp tác đầu tư phát triển.

Sáu là, Về cải thiện cơ sở hạ tầng: Huy động tối đa các nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước; trước hết là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Bảy là, Về hỗ trợ đổi mới nâng cao công nghệ và trình độ kỹ thuật: Tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ để ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo chiến lược phát triển và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp đối với các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm công nghệ hỗ trợ; Nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp thông qua chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Ngoài trợ giúp của Trung ương, cần có kế hoạch và bố trí kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và dịch vụ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO và các tiêu chuẩn quốc tế khác./.

File đính kèm:
Trần Thắng Đức - Phòng ĐKKD
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 60
ngày hôm nay 2827
ngày hôm qua 3755
tuần này 17838
tất cả 256851