TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
HỢP TÁC PHÁT TRIỂN GIỮA TỈNH ĐẮK NÔNG VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ LUẬT – NHỮNG THÀNH TỰU BAN ĐẦU VÀ ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
Đăng ngày: (07-01-2015); Số lượt đọc: 356
Bài viết tập trung hệ thống lại những kết quả hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông và Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM trong thời gian qua. Qua đó đề ra những định hướng hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian tới nên tập trung vào: đẩy mạnh hợp tác NCKH; tư vấn, phản biện chính sách; đào tạo chuyên môn cho cán bộ trên địa bàn tỉnh và mở lớp đào tạo sau đại học về quản lý công tại tỉnh.

1. Tổng quan về tình hình hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông và Trường ĐH Kinh tế - Luật

Sau một thời gian hợp tác với Trường Đại học kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM trong một số chương trình nghiên cứu khoa học (NCKH) và hoạt động đào tạo, tỉnh Đắk Nông đã nhận thấy bước đầu khai thác được tiềm năng và thế mạnh của các bên. Đầu năm 2013, hai đơn vị bắt đầu hợp tác chính thức đầu tiên thông qua việc Trường Đại học Kinh tế - Luật thực hiện tư vấn Đề án chiến lược thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Nông đến năm 2020. Tiếp sau đó là hàng loạt các chương trình đào tạo, hội thảo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ các cấp trên địa bàn tỉnh. Nhiều kết quả  hợp tác đã được ứng dụng, chuyển giao vào hoạt động sản xuất và đời sống tại tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh trong thời gian qua.

2. Kết quả hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông và Trường Đại học Kinh tế - Luật trong thời gian qua

Chỉ sau gần 2 năm từ khi ký kết những hợp đồng hợp tác đầu tiên, đến nay tỉnh Đắk Nông và Trường Đại học Kinh tế - Luật đã có những nội dung hợp tác sâu rộng hơn. Kết quả hợp tác của hai đơn vị trong thời gian qua đã đạt được kết quả như sau:

Thứ nhất, tư vấn Đề án Chiến lược thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020

Đề án được tỉnh chỉ định đơn vị tư vấn là Trường Đại học Kinh tế - Luật vào đầu năm 2013 và giao Sở KH&ĐT trực tiếp phụ trách. Nội dung trọng tâm của đề án xoay quanh các nội dung: (i) Xây dựng các định hướng, chiến lược để phát triển lĩnh vực thu hút đầu tư cho tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Đặt trọng tâm là định hướng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, thực hiện đầu tư tiến bộ và cạnh tranh. Căn cứ trên những phân tích, đánh giá thực trạng thu hút đầu tư tại tỉnh và phù hợp với các định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của tỉnh; (ii) Xác định các mục tiêu trung hạn, dài hạn cụ thể qua các năm để thực hiện chiến lược. Xây dựng giải pháp để khắc phục hạn chế khó khăn, phát huy tiềm năng thế mạnh, nắm lấy cơ hội, đón đầu thách thức. Xây dựng cách thức, biện pháp để thực hiện các mục tiêu, phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của tỉnh không chỉ trong nước mà còn tầm khu vực; (iii) Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các mục tiêu qua các năm dựa  trên các nguồn lực hạn chế của tỉnh. Phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện đề án, chiến lược.

Kết quả đề án được nghiệm thu vào quý 3 năm 2014 với loại tốt. Đây là nguồn tham khảo quan trọng và là căn cứ để tỉnh triển khai các chương trình hành động được cụ thể hóa từ các chiến lược mà nhóm tư vấn đã vạch ra.

Thứ hai, đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ tỉnh về thẩm định dự án đầu tư

Với một tỉnh mới được thành lập được hơn 10 năm, với những tiềm năng mới về đầu tư, nhiều dự án đầu tư đã ồ ạt đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn đầu lập Tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những dự án đầu tư với mục đích “đầu tư thật sự” thì còn nhiều dự án đầu tư vào tỉnh với mục đích giữ đất để sang nhượng, hoặc nhiều dự án đã cấp phép nhưng không khả thi để triển khai thực hiện. Trong bối cảnh đó, Tỉnh đã giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư  phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật mở Khóa học Lập và thẩm định dự án đầu tư cho các cán bộ thẩm định dự án của tỉnh.  Khóa học đã cung cấp cho cán bộ thẩm định dự án các cấp của tỉnh những kiến thức chuyên sâu về dự án đầu tư, quy trình, nội dung và các bước cần thiết để lập dự án đầu tư, những kiến thức nâng cao về thẩm định dự án, phương pháp, nội dung và hình thức tập hồ sơ thẩm định dự án đầu tư.

Kết quả Khóa học đã giúp các cán bộ của tỉnh nâng cao hiểu biết về thẩm định các dự án đầu tư, để từ đó có thể áp dụng vào công việc thực tế để nâng cao hiệu quả thẩm định các dựa án đầu tư vào tỉnh, đảm bảo các dự án có tính khả thi cao khi thực hiện các dự án.

Thứ ba, đào tạo cho các Doanh nghiệp trong tỉnh về chiến lược quản trị của CEO

Đứng trước cơ hội  phát triển và nhu cầu hội nhập, một trong những thách thức lớn nhất của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là khả năng quản lý, điều hành chuyên nghiệp. Giám đốc điều hành là vị trí mang tính “then chốt” để tạo nên sự chuyên nghiệp ấy cho tất cả mọi công đoạn trong tổ chức và hoạt động công ty, kể cả khâu sản xuất, kinh doanh hay xây dựng thương hiệu. Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng hiện đang rất thiếu các nhà điều hành, quản lý doanh nghiệp chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân chính là nhiều người lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có những hình dung cụ thể về các “nhân vật” này để phấn đấu đạt đến. Trước bối cảnh đó, tháng 12 năm 2013, Tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật mở lớp đào tạo về CEO cho các chủ doanh nghiệp, công ty đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.  Nội dung lớp học đã trang bị những tri thức toàn diện nhất, những năng lực căn cơ nhất mà một CEO cần phải có.

Kết quả khóa học đã cung cấp cho các lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết cách đạt được hoài vọng của mình là trở thành một CEO chuyên nghiệp; biết cách trang bị những năng lực quản trị cần thiết của một CEO; nắm được những tư duy và kiến thức cốt lõi mà một CEO cần phải có; biết làm thế nào, trải nghiệm ra sao để có thể trở thành một CEO trong tương lai.

Thứ tư, đào tạo cho cán bộ cấp xã, huyện của tỉnh về liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu

Những thăng trầm của hàng nông sản thời gian qua đã chứng tỏ việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp là hướng đi cần thiết và đúng đắn. Thiếu liên kết một cách bài bản trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ là nguyên nhân dẫn đến hàng nông sản ùn ứ, rớt giá. Liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là cơ hội rất lớn cho phát triển nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều mô hình liên kết sản xuất trái cây, cá tra, lúa... đang được thực hiện thành công tại nhiều địa phương trên cả nước.

Với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, đồng thời tỉnh cũng xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những hướng đi chủ lực. Do đó, tỉnh luôn chú trọng trong công tác bồi dưỡng đào tạo cho cán bộ quản lý nông nghiệp nhằm nâng cao các kiến thức và kỹ năng về tổ chức liên kết sản xuất tại địa phương. Trong tháng 4/2014, tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức đào tạo cho các cán bộ nông nghiệp của các Huyện, xã trên địa bàn tỉnh về quản trị các tổ/nhóm sở thích trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, lớp học cũng đã bồi dưỡng kiến thức về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Kết quả khóa học đã cung cấp cho các cán bộ quản lý nông nghiệp trên đia bàn tỉnh những kiến thức và kỹ năng cần thiết về tổ chức quản trị các tổ/nhóm sở thích trong sản xuất nông nghiệp. Đây là tiền đề và những kiến thức cần thiết mà cán bộ nông nghiệp cần được trang bị để Tỉnh có thể đẩy mạnh phát triển mô hình các tổ nhóm sở thích, đẩy mạnh liên kết sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho ngành nông nghiệp.

Thứ năm, đào tạo cho cán bộ các cấp của tỉnh về lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo phương pháp mới

Thực tế cho thấy kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở hầu hết các địa phương nói chung và Đắk Nông nói riêng đều chưa gắn kết với thị trường và sự tham gia của các bên điều này làm cho việc thực hiện kế hoạch và sử dụng các nguồn lực chưa hiệu quả. Thực tế trên đòi hỏi cần có sự đổi mới ngay từ công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với nguồn lực tài chính cần được phân tích trên 3 khía cạnh: quy trình lập, nội dung các bản kế hoạch và phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Trước bối cảnh đó, dưới sự tài trợ của dự án 3M, tháng 12 năm 2014, Tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức lớp học : “Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các cấp theo phương pháp mới”.

Nội dung giảng dạy của các chuyên gia từ Trường Đại học Kinh tế - Luật đã chỉ rõ trong nền kinh tế thị trường, thay vì sử dụng công cụ kế hoạch hóa tập trung, chính phủ và các địa phương nên sử dụng công cụ kế hoạch hóa định hướng phát triển để can thiệp vào thị trường. Khác với kế hoạch hóa tập trung, kế hoạch hóa định hướng phát triển không can thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh tế, không mang tính mệnh lệnh mà nó là một công cụ giúp chính phủ điều hành nền kinh tế thông qua quá trình điều tiết, dẫn dắt thị trường và định hướng phát triển nền kinh tế. Kế hoạch hóa trong nền kinh tế thị trường cũng là một công cụ huy động và phân bổ nguồn lực khan hiếm nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển của nền kinh tế; giúp chính phủ huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để cùng hướng tới đạt các mục tiêu kế hoạch. Như vậy, việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong nền kinh tế thị trường  cần phải gắn chặt với các nguồn lực xã hội nói chung và nguồn lực tài chính nói riêng để có thể tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực này trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Phương pháp lập kế hoạch phát triển được đánh giá dựa trên 3 khía cạnh: phương pháp xây dựng nội dung thuyết minh của bản kế hoạch, phương pháp tính toán các chỉ tiêu và phương pháp dự báo nhu cầu nguồn lực và dự toán ngân sách trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Khóa học đã cung cấp các kiến thức mới và các công cụ hỗ trợ hiệu quả trong công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo định hướng thị trường cho hơn 100 cán bộ lập kế hoạch từ cấp xã đến cấp tỉnh của tỉnh.

Thứ sáu, phối hợp tổ chức các hội thảo Khoa học trên địa bàn tỉnh

Ngoài công tác đào tạo, tỉnh Đắk Nông và trường ĐH Kinh tế - Luật còn hợp tác trong việc tổ chức các Hội thảo tại tỉnh. Tháng 7 năm 2013, tỉnh đã mời các chuyên gia từ Trường Đại học Kinh tế - Luật nghiên cứu tình hình thu hút đầu tư tại tỉnh và viết tham luận cho Hội thảo “Tổng kết 15 thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk  Nông”. Các tham luận từ trường Đại học Kinh tế - Luật đã có những đánh giá rất xác thực về tình hình hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Qua đó đưa ra những giải pháp khả thi và phù hợp với tình hình của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới

Tiếp nối thành công đó, vào tháng 7/2014 tỉnh đã giao Trung tâm xúc tiến đầu tư phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức Hội thảo “Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đắk Nông trong bối cảnh hậu khủng hoảng”. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều khó khăn và biến động, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro do thiếu vốn, khan hiếm nguồn nhân lực, chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm, chính sách nhà nước thay đổi,…Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ và tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất hòng giúp các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh vượt qua những khó khăn hiện nay để tiếp tục phát triển.

Kết quả thảo luận tại Hội thảo đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất ra sản phẩm và tạo việc làm cho tỉnh; các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trên một số mặt chính như: hàng tồn kho tăng cao, lợi nhuận sụt giảm mạnh, thị phần suy giảm, không tiếp cận được vốn, chịu lãi suất cao; tỉnh cần đầu tư cho công tác dự báo nhằm nâng cao hiệu quả dự báo cho doanh nghiệp, cần xem xét giảm thuế GTGT, không tăng các loại thuế và phí khác; doanh nghiệp vừa và nhỏ phải coi mình như chủ thể chính của quá trình vượt qua khó khăn hiện nay, tránh trông chờ, ỷ lại tất cả vào tỉnh; cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực tìm lối thoát trong khó khăn; tự mình tìm đến, hướng đến, chủ động tháo gỡ các khó khăn trong quá trình tiếp cận các nguồn lực xã hội, tích cực phát triển thị trường mới, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nhằm giảm tồn kho, phát triển sản phẩm mới, hàng hóa mới để có chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn trên thị trường…

Những kết luận rút ra từ các Hội thảo là nguồn tham khảo quan trọng cho tỉnh trong quá trình ra quyết định và ban hành những chính sách trong thời gian qua và sắp tới.

3. Định hướng hợp tác của hai đơn vị trong thời gian tới

Từ những kết quả hợp tác bước đầu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa hai đơn vị, theo chúng tôi trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông và Trường Đại học Kinh tế - Luật nên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác theo các hướng sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nửa trong hợp tác NCKH. Hằng năm, tỉnh đều triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ để mời các đơn vị tư vấn thực hiện. Tỉnh luôn muốn tìm những đơn vị tư vấn có chất lượng, nghiên cứu sát với thực trạng của tỉnh bởi kết quả thực hiện của các đề tài sẽ được tỉnh sử dụng để ra quyết định, triển khai các hoạt động trong các lĩnh vực liên quan. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của bất cứ nhà trường nào. Mỗi nhà trường muốn làm mới mình, muốn không bị lạc hậu trước xu thế phát triển ngày càng sâu và rộng của quá trình hội nhập, muốn luôn đổi mới, sáng tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo, cần thiết phải coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học trong suốt quá trình đào tạo của mình. Do đó, trong thời gian tới, hai đơn vị nên xúc tiến việc ký kết các văn bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác NCKH, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là tiền đề cho sự hợp tác và tạo điều kiện quan trọng cho việc ký kết các hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác trong tư vấn chính sách cho tỉnh. Trong thời gian qua, mặc dù gián tiếp qua các lần hợp tác tổ chức hội thảo hay thực hiện các đề án, Trường đã có những gợi ý về thay đổi những chính sách cần thiết cho tỉnh. Tuy nhiên đó chưa phải là những kênh tư vấn chính sách chính thức. Trong thời gian tới, hai đơn vị cần đẩy mạnh hợp tác trong việc tư vấn các chính sách cho tỉnh. Tập trung chủ yếu vào các nội dung:

- Nghiên cứu đề xuất cơ sở khoa học xây dựng chính sách, phân tích chính sách, đánh giá tác động chính sách đã ban hành, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án;

- Thẩm định cơ sở kinh tế, căn cứ khoa học của các chiến lược, chính sách, chương trình, dự án, phương án quy hoạch...;

- Đánh giá khách quan năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức sản xuất kinh doanh, địa phương có nhu cầu;

- Thực hiện các dịch vụ tư vấn, đào tạo, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ ra quyết định, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Tổ chức diễn đàn thảo luận về các vấn đề chính sách để các cơ quan xây dựng chính sách và các đối tượng hưởng lợi tham gia ý kiến đóng góp;

- Phối hợp thông tin, xuất bản kết quả nghiên cứu chính sách, chiến lược.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên sâu về chuyên môn cho cán bộ tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn về giao thông và yêu cầu cấp thiết về phát triển đội ngũ cán bộ như hiện nay thì phương án mời các chuyên gia đến tỉnh giảng dạy được tỉnh chú trọng thực hiện. Trong thời tới, hai đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo chuyên môn cho các cán bộ đang công tác địa bàn tỉnh. Trong đó, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã cần từng bước được đổi mới theo hướng tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn và trang bị cho cán bộ, công chức của tỉnh các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở xã phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, phía nhà trường cần tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng sát thực với điều kiện tình hình công tác của cán bộ, công chức ở địa bàn cơ sở, giúp cán bộ, công chức nhận thức, nắm bắt, tháo gỡ, xử lý, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Thứ tư, xúc tiến mở lớp đào tạo bậc sau đại học về Kinh tế và quản lý công và Luật dân sự tại Tỉnh. Hiện nay có rất nhiều cán bộ của tỉnh tham gia học tập bậc sau Đại học tại TP.HCM hoặc Đà Nẵng và phải bỏ ra một lượng kinh phí và thời gian rất lớn. Do đó, bên cạnh giải pháp hợp tác mời các chuyên gia từ Trường Đại học Kinh tế - Luật đến giảng dạy các lớp ngắn hạn cho cán bộ tại Tỉnh, hai đơn vị cần xem xét phương án mở các lớp đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành về Kinh tế và quản lý công  và Luật dân sự tại tỉnh. Đây là nhu cầu rất cấp thiết của tỉnh giai đoạn hiện nay.

4. Kết luận

Kết quả hợp tác giữa Tỉnh Đắk Nông và Trường Đại học Kinh tế - Luật trong thời gian qua đã chứng tỏ bước đi đúng đắn giữa hai đơn vị. Đó là địa phương cần những kiến thức chuyên môn, những phương án tư vấn từ cán chuyên gia của trường đại học để làm cơ sở ra quyết định và ban hành chính sách phát triển đại phương và trường đại học cần những tình huống từ các địa phương để nâng cao hiểu biết về thực tế, phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Với cách nhìn nhận đó, việc hợp tác toàn diện với Trường Đại học Kinh tế - luật nói riêng và các trường trong khối ĐHQG.TPHCM nói chung là việc mà tỉnh  Đắk Nông sẽ quan tâm và đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

File đính kèm:
Trần Xuân Hải - GĐ Sở KH&ĐT Đắk Nông
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 668
ngày hôm nay 1412
ngày hôm qua 3755
tuần này 16423
tất cả 255436