TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Quốc hội phải biết doanh nghiệp nhà nước dùng vốn thế nào?
Đăng ngày: (13-11-2014); Số lượt đọc: 252
Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngày 11/11 là việc quản lý tiền vốn trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Hiện tại, việc quản lý phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước giao hết cho Chính phủ, Quốc hội chỉ giám sát.

Hiện tại, theo luật định toàn bộ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước giao hết cho Chính phủ, Quốc hội đứng ngoài giám sát.

“Tại sao ta không mở cái luật này theo cái hướng là trong tương lai, chúng ta có 5 – 3 tập đoàn quy mô lớn của nhà nước. Các doanh nghiệp này phải báo cáo trực tiếp Quốc hội chứ không giao hết cho Chính phủ?”, đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Bởi, theo vị đại biểu này, doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện điều tiết lợi ích kinh tế - xã hội. Các lợi ích này phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, không tách rời việc sử dụng nguồn vốn này với chiến lược phát triển kinh tế do Quốc hội quyết định.

“Luật phải chế định làm sao để sau này, chúng ta cũng có một số tập đoàn lớn kiểu như Petronas của Malaysia... hằng năm phải báo cáo Quốc hội quyết định để tiền lại cho doanh nghiệp hay lấy về đầu tư mới, việc bổ sung vốn cho doanh nghiệp, bán cổ phần... là Quốc hội phải biết”, đại biểu  Trần Du Lịch nói.

Trước đó, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, về nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có ý kiến đề nghị nêu rõ nguyên tắc đầu tư có trọng điểm, bảo đảm không dàn trải, không lãng phí, không thất thoát, tôn trọng quy luật thị trường và các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu bổ sung như quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể các nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đồng thời bảo đảm doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước hoạt động bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của Hiến pháp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, chỉnh lý quy định như tại các Điều 23, 24 và 28 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung giới hạn thẩm quyền của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty đối với các dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B trong việc huy động vốn; đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định; đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu quốc hội đã đề nghị kiểm soát nghiêm ngặt việc đầu tư vốn của doanh nghiệp ra nước ngoài vì hoạt động này có nhiều rủi ro. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đã tiếp thu, chỉnh lý quy định như tại Điều 29 về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; Điều 42 về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Điều 44 về quyền, trách nhiệm của hội đồng thành viên, hoặc chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của dự thảo Luật theo hướng làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty đối với việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp.

Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư sau khi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nhiều đại biểu cũng không nhất trí quy định về tiền lương tại dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý quy định như tại Điều 32 và Điều 33 của dự thảo Luật, theo đó quy định nguyên tắc xác định tiền lương phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động; xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động phải căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động, gắn với hiệu quả công việc, năng suất lao động.

Riêng đối với tiền lương, tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp, ngoài hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh còn phải gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về tiền lương, tiền thưởng để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Vấn đề mô hình đại diện chủ sở hữu cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sẽ tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Luật không quy định cụ thể đại diện chủ sở hữu là các Bộ, Ủy ban nhân dân... mà vẫn giao quyền cho Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình để từ đó có những đề xuất phù hợp, sát thực tiễn và góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Giàu cho biết.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, chỉnh lý quy định như tại các điều 23, 24 và 28 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung giới hạn thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với các dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B trong việc huy động vốn; đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định; đầu tư ra ngoài doanh nghiệp./.

File đính kèm:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 126
ngày hôm nay 706
ngày hôm qua 3355
tuần này 10087
tất cả 185776