TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Đột phá trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp
Đăng ngày: (15-10-2014); Số lượt đọc: 235
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, được kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta.

Với kết cấu bao gồm 10 chương, 214 điều, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi được soạn thảo với mục tiêu cao nhất là đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Trên cơ sở kế thừa và tiếp tục phát huy những kết quả và tác động tốt của các cải cách trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành và thể chế hóa các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (sau đây gọi tắt là Luật) lần này đã quy định nhiều điểm mới nổi bật liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp. Bài viết xin đề cập đến 3 nhóm vấn đề lớn sau:

1. Nhóm vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Dự thảo Luật tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp gia nhập thị trường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Dự thảo Luật đã quy định thống nhất về thủ tục thành lập doanh nghiệp đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Theo đó, chỉ đối với trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể đối với doanh nghiệp mới áp dụng quy định của luật đó. Còn việc thành lập doanh nghiệp, thì phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp năm 2005  đang quy định, trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại luật khác, thì áp dụng theo quy định của luật đó. Quy định này đã làm cho phạm vi áp dụng của Luật đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp bị thu hẹp đáng kể. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, quy định trên đã khiến Luật Doanh nghiệp bị “gặm nhấm” bởi các luật chuyên ngành. Ví dụ, Điều 65 - Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, còn theo Khoản 2, Điều 59 - Luật Chứng khoán, thì “Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Các luật chuyên ngành chỉ cần thêm hai từ “đồng thời” là coi như hoàn thành việc vô hiệu hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp. Việc này dẫn tới tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thậm chí là giữa các doanh nghiệp trong cùng một loại hình trong khâu gia nhập thị trường của doanh nghiệp từ hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp đến quy định về cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Thực tế này đã khiến việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ, thống nhất về doanh nghiệp trên phạm vi cả nước gặp nhiều khó khăn; làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, việc quy định “giấy phép” đồng thời là “giấy chứng nhận” dẫn đến sự xung đột trong quan điểm quản lý ngay tại một thủ tục, vì “cấp phép” bản chất là cơ chế xin – cho (doanh nghiệp xin phép, cơ quan nhà nước cho phép) trong khi “chứng nhận” là việc cơ quan nhà nước ghi nhận lại việc đăng ký của doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện quyền của mình. Do vậy, việc tách bạch giữa thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như quy định trong Dự thảo Luật là hoàn toàn cần thiết để thống nhất về thủ tục thành lập doanh nghiệp đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, mà không cần phân biệt nguồn gốc sở hữu hay lĩnh vực hoạt động.

Thứ hai, Dự thảo Luật đã bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.

Theo quy định hiện hành tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, đối với doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh hoặc nghị định đòi hỏi phải có vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề, thì doanh nghiệp đó chỉ được đăng ký kinh doanh khi có đủ vốn hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp về bản chất là việc ghi nhận sự ra đời, công nhận về mặt pháp lý sự xuất hiện của doanh nghiệp trên thị trường. Các yêu cầu về vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề chỉ nên được coi là điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp được hoạt động. Quy định như Luật hiện hành đã tỏ ra không hợp lý, không có hiệu lực quản lý nhà nước, gây ra khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư khi thành lập mới doanh nghiệp.

Do vậy, việc bỏ yêu cầu về các điều kiện kinh doanh nêu trên tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp. Theo đó, tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Thứ ba, Dự thảo Luật đã bãi bỏ nội dung về ngành, nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề ghi tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay vì được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm như chính quy định của Luật này tại Điều 7; trường hợp muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định như Luật Doanh nghiệp hiện hành đã không còn phù hợp khi Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định về quyền tự do kinh doanh: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” (Điều 33). Để thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh quy định tại Điều 33, Hiến pháp, Dự thảo Luật đã chuyển từ nguyên tắc tự do kinh doanh những gì ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sang nguyên tắc tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm thông qua việc bỏ nội dung về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định như vậy không những giảm đáng kể chi phí tuân thủ thực hiện thủ tục hành chính, mà còn nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý nhà nước nói chung, Dự thảo Luật cũng có quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh.

Thứ tư, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thủ tục đăng ký lao động và thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội. Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, năm 2013, khởi sự kinh doanh ở nước ta xếp hạng thứ 109 trên 189 quốc gia và nền kinh tế, gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày. Do vậy, Dự thảo Luật lần này tiếp tục đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ gia nhập thị trường của doanh nghiệp theo hướng đồng thời kết hợp thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với các thủ tục về đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 34, Dự thảo Luật quy định, sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký doanh nghiệp phải gửi thông tin đăng ký doanh nghiệp đến cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng quy định, Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục phối hợp giữa các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, con dấu, nộp thuế môn bài, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

2. Nhóm vấn đề liên quan đến việc góp vốn và đăng ký thay đổi vốn điều lệ. Dự thảo Luật đã thống nhất cách hiểu về vốn điều lệ công ty và thời hạn thực hiện góp vốn điều lệ. Phải thừa nhận rằng, cùng một khái niệm về vốn, nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản hướng dẫn lại sử dụng các thuật ngữ khác nhau. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp hiện hành sử dụng thuật ngữ  “cổ phần được quyền chào bán”; trong khi đó, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP, ngày 01/10/2010 hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp lại sử dụng thuật ngữ  “cổ phần đã phát hành”, “cổ phần được quyền phát hành”. Đồng thời, bản chất vốn điều lệ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp là vốn đăng ký, vốn thực góp, hay vốn cam kết góp đã gây ra những tác động không mong muốn, như: nhầm lẫn về cơ cấu sở hữu thực tế trong doanh nghiệp, tranh chấp không đáng có trong nội bộ công ty...

Ngoài ra, thời hạn để thực hiện việc góp vốn đối với các loại hình doanh nghiệp là không thống nhất. Đối với loại hình công ty cổ phần, người tham gia góp vốn có thời hạn 90 ngày để hoàn thành việc góp vốn, trong khi đối với loại hình trách nhiệm hữu hạn là 36 tháng.

Để giải quyết bài toán nêu trên, khái niệm vốn điều lệ trong Dự thảo Luật lần này đã được thay đổi căn bản là vốn thực góp. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp lúc mới thành lập, Dự thảo Luật đã quy định tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ là vốn mà các thành viên, cổ đông cam kết góp/đăng ký mua vào công ty; thành viên, cổ đông phải thanh toán phần vốn góp, số cổ phần cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết/đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau thời hạn nêu trên mà thành viên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết góp/đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị thực góp. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn 90 ngày nêu trên.

3. Liên quan đến vấn đề tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp, Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi một số nội dung cơ bản như sau:

- Mở rộng các đối tượng được quyền hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty. Theo quy định hiện hành, việc hợp nhất, chia, tách, sáp nhập chỉ áp dụng đối với các công ty cùng loại. Quy định nêu trên đã không còn phù hợp với thực tế, đang hạn chế và cản trở việc tổ chức lại hay mở rộng kinh doanh theo cách thức hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty. Do vậy, Dự thảo Luật đã cho phép các công ty khác loại hình có thể hợp nhất, chia, tách, sáp nhập. Ngoài ra, Dự thảo cũng đã bổ sung thêm quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục về phương thức hợp nhất, chia, tách, sáp nhập và đăng ký lại sau khi hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty.

- Quy định rõ hơn và hợp lý hơn về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, trong thời gian qua, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, tổng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 53.900, 54.200 và 60.700 doanh nghiệp. Do vậy, song song với việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký gia nhập thị trường của doanh nghiệp, việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký rút khỏi thị trường của doanh nghiệp cũng cần được quan tâm đúng mức. Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng bức xúc của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua về các vấn đề như: doanh nghiệp “chết” mà không chôn được, tình trạng doanh nghiệp chật vật xin được chết...; đồng thời, sẽ góp phần làm “sạch” dữ liệu về doanh nghiệp.

Để giải quyết được bài toán nêu trên, quy trình giải thể doanh nghiệp quy định trong Dự thảo Luật đã được thiết kế theo hướng “tự động”. Theo đó, thời hạn tối đa để cơ quan đăng ký doanh nghiệp thực hiện thủ tục xóa tên doanh nghiệp là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ được tự động giải thể sau 180 ngày kể từ ngày doanh nghiệp ra quyết định giải thể, điều này đòi hỏi các cơ quan, đặc biệt là cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương hơn trong việc thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của tòa án.

Hiện nay, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện. Với những quy định mới được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp gia nhập thị trường, mở rộng quy mô kinh doanh cũng như khi rút lui khỏi thị trường, Dự thảo Luật đang được các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, cải thiện vị trí của nước ta trên bảng xếp hạng về chất lượng môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới./.

File đính kèm:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 57
ngày hôm nay 2241
ngày hôm qua 3755
tuần này 17252
tất cả 256265