TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Mấy ý kiến góp ý về dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư veed đánh giá kế hoạch 5 năm 2011-2015 và xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020
Đăng ngày: (27-08-2014); Số lượt đọc: 264
Mấy ý kiến góp ý về dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư veed đánh giá kế hoạch 5 năm 2011-2015 và xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020

1. Về đánh giá phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015

            Giai đoạn 5 năm 2011-2015 là giai đoạn kế thừa và phát triển của quá trình 30 năm đổi mới từ năm 1986, do đó việc đánh giá 5 năm giai đoạn 2011-2015 không thể tách rời đánh giá của toàn bộ quá trình đổi mới. Thành tựu của 5 năm qua là chủ yếu nối tiếp thành tựu của cả quá trình kiên trì đường lối đổi mới, và ngược lại khó khăn, hạn chế của 5 năm qua cũng có nguyên nhân chính của việc không khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu điểm của quá trình đổi mới. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, dường như động lực tăng trưởng của đổi mới bị khựng lại, các động cơ tăng trưởng từng hoạt động hiệu quả giai đoạn trước đến những năm gần đây bộc lộ những yếu điểm khiến cả nền kinh tế chững lại, chưa tìm được đường ra mới. Nên càng phải đánh giá cả quá trình 30 năm đổi mới, để xác định động cơ nào tiếp tục tăng trưởng để phát huy, động cơ nào đã lạc hậu để bãi bỏ, động cơ nào đã hư hỏng để sửa chữa, tái cơ cấu, để tăng tốc hơn, bền vững hơn trong những giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, đánh giá cả quá trình 30 năm sẽ giúp ta xác định rõ hơn phương hướng phát triển của những năm tiếp theo để đề ra đường đi, cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất. Do đó, tôi góp ý Tổ biên tập bổ sung thêm phần đánh giá quá trình 30 năm đổi mới, đánh giá 5 năm giai đoạn 2011-2015 như là phần sau của cả quá trình, để tổng kết và làm nổi bật lên cả quá trình đổi mới, để nhìn lại ta đã đạt được những gì và với tốc độ thế nào, đường đi của ta đúng hướng chưa và cần phải điều chỉnh những gì, giai đoạn sau ta phải làm gì để tiếp tục và đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước.v.v.

            Theo tôi, quá trình 30 năm đổi mới có những nét cần bổ sung phân tích, tìm nguyên nhân như sau:

            Từ năm 1986, nước ta đã kiên trì theo đuổi quá trình cải cách toàn diện theo hướng thị trường và từng bước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Bằng những giải pháp đổi mới thiết thực, đất nước đã thoát khỏi tình trạng suy thoái sau chiến tranh, thúc đẩy nhanh tăng trưởng, đưa mức tăng GDP bình quân hàng năm tăng cao và giữ ổn định. Nhờ tăng trưởng và kinh tế phát triển, thu nhập nâng cao, mức sống của người dân dần dần được cải thiện, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết vấn đề đói nghèo là thành tựu to lớn nhất của quá trình đổi mới. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà nền kinh tế Việt Nam đã đạt được trong 30 năm đổi mới và hội nhập, kinh tế nước ta hiện nay đang đứng trước những khó khăn và thách thức to lớn:

            - Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây chựng lại, nền kinh tế rơi vào các cuộc suy thoái, lạm phát, điển hình các năm 1997-1998, 2007-2008, 2011-2013.

            - Nguy cơ tụt hậu xa hơn của nền kinh tế vẫn đang diễn ra, thêm vào đó là nguy cơ mắc “bẫy thu nhập trung bình” của nền kinh tế, đã tăng thêm những khó khăn, bất cập cho nền kinh tế. So với các nước Đông Nam Á, GDP bình quân đầu người và chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam thua xa các nước trong khu vực, chỉ đứng trên 3 nước Lào, Campuchia và Mianmar.

            - Chất lượng tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, việc đổi mới mô hình và tái cấu trúc nền kinh tế còn chậm và chưa rõ ràng, sử dụng nguồn lực lãng phí và không tối ưu. Sau thời gian quá lâu phát triển theo chiều rộng, khai thác tối đa và xuất thô tài nguyên, tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ để phát triển công nghiệp gia công…mà không có biện pháp hiệu quả phát triển chiều sâu dựa trên tăng năng suất, tăng các yếu tố thâm dụng vốn và công nghệ…cộng hưởng với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới khiến cho kinh tế nước ta 5 năm giai đoạn 2011-2015 chủ yếu là gam màu tối xám với các chính sách ưu tiền kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

            2. Về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, theo tôi phải chỉ rõ, cụ thể những nguyên nhân chính yếu nhất để khắc phục, chính những tồn tại trong thể chế, chính sách, định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước mới là nguyên nhân chủ yếu, cần phải bổ sung làm rõ, một số nguyên nhân chính của tình trạng kinh tế khựng lại trong 5 năm vừa qua là:

            Một là, nguyên nhân trực tiếp và hết sức quan trọng là thể chế yếu kém chậm được đổi mới theo yêu cầu của thực tiễn. Thể chế là nền tảng của mọi cải cách và đổi mới, việc đổi mới, cải cách, tái cơ cấu nếu không dựa trên nền tảng của đổi mới và cải cách thể chế thì cũng chỉ là cách làm hời hợt, bề nổi. Qua gần 30 năm cải cách, những bất cập trong quản lý kinh tế và xã hội, từ việc lớn như ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy thoái, kiểm soát nợ công, đến những lo toan đời thường như bệnh viện quá tải, tai nạn giao thông và hết thảy các yếu kém trong quản lý suy cho cùng đều có nguyên nhân sâu xa từ chất lượng thể chế yếu kém. Thông điệp đầu năm 2014 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh và chỉ rõ yếu kém này: “Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ nguồn làm chủ của nhân dân”. Do đó, cần phải nêu bật nguyên nhân yếu kém về thể chế, phân tích cụ thể để cải cách thể chế trước tiên, trong đó điểm mấu chốt của đổi mới thể chế hiện nay, đó là cần thay đổi nhận thức và cách thức can thiệp của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, đó là chuyển chức năng từ “nhà nước quản lí” sang chức năng “nhà nước kiến tạo phát triển”. Do đó, Nhà nước cần phải xác định lại vai trò của mình, cần kiên định với những nguyên tắc nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn hoặc không thể làm. Đồng thời cần hoàn thiện nhanh thể chế thị trường vì thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện là bước cản lớn cho sự phát triển.

            Hai là, việc cụ thể hóa đường lối của Đảng bằng các chính sách và năng lực quản lí, chính sách, phương hướng điều hành nền kinh tế của bộ máy nhà nước còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dường như có mối liên hệ mờ nhạt giữa sự phát triển của nước ta suốt thời kỳ đổi mới với chính sách Chính phủ đưa ra, như GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, đã cho rằng: Việt Nam hiện có tốc độ phát triển nhanh, tuy nhiên sự tăng trưởng này không dựa trên nền tảng của hệ thống chính sách tốt mà nhờ vào việc trước đây, nền kinh tế này hoàn toàn đóng, không giao thiệp với thế giới. Khi tự do hóa, mở cửa, Việt Nam cùng Trung Quốc trở thành “mặt trận kinh tế mới” ở Châu Á, nơi mọi người đều muốn vào đầu tư”. Tuy nhiên, ngược lại sự bế tắc, luẩn quẩn của nền kinh tế thời gian vừa qua theo đánh giá là chủ yếu đến từ cách thức điều hành và nhất là thực thi chính sách không hiệu quả. Do đó, càng phải phân tích sâu nguyên nhân về chính sách và thực thi về điều hành kinh tế, dám nhận trách nhiệm, rút ra bài học, tích lũy kinh nghiệm điều hành kinh tế, để giai đoạn tiếp theo không phạm phải sai lầm về mặt chính sách, điều hành.

            Ba là, sử dụng nguồn lực quốc gia lãng phí, hiệu quả thấp và không tối ưu, không trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với các hạn chế về năng suất lao động, thâm dụng tài nguyên, lao động, chi phí lao động tăng không tương xứng với năng suất lao động…là những nguyên nhân làm cho tăng trưởng bị lệch hướng và mất dần động lực. Đặc biệt, phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn nhiều hạn chế, DNNN là nơi sở hữu nguồn lực to lớn của xã hội nhưng những đóng góp cho nền kinh tế lại chưa tương xứng. Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương “DNNN hiện chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các Ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA… Tuy nhiên khu vực này chỉ đóng góp khoảng 26% GDP, so với 43% đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân”. Rõ ràng, với nguồn lực hạn chế do đất nước còn nghèo kết hợp với việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả, không tối ưu đã khiến cho kinh tế không thể phát triển bền vững và dần đánh mất tương lai. Do đó, cần phải đánh giá bổ sung việc sử dụng, phân bổ nguồn lực xã hội, đánh giá đầy đủ nguyên nhân của các yếu điểm, hạn chế của nền kinh tế và phản ánh đúng thực tiễn đang diễn ra. Để có cơ sở tìm ra phương hướng, giải pháp chữa đúng căn bệnh tăng trưởng thấp, ì ạch của nền kinh tế hiện nay.

            3. Về phương hướng, giải pháp đổi mới cho 5 năm giai đoạn 2016-2020, dựa trên các nguyên nhân đã phân tích ở trên, tôi góp ý bổ sung để Tiểu ban soạn thảo phân tích bổ sung phương hướng 5 năm giai đoạn tiếp theo:

            Một là, phải xác định đổi mới về thể chế là yếu tố quan trọng nhất, phải xác định rằng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, nhà nước có chức năng “kiến tạo phát triển” và chức năng “định hướng XHCN”, trong đó nhà nước tập trung vào các vai trò chủ chốt: (i) Tạo môi trường pháp lý thuận lợi và đảm bảo sự ổn định chính trị, xã hội cho sự phát triển kinh tế. Nói cách khác, nhà nước có chức năng tạo ra “sân chơi” và “luật chơi” thuận lợi cho kinh tế phát triển. (ii) Tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô ổn định phục vụ phát triển kinh tế, thông qua chiến lược, chính sách, các công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô. (iii) Hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các chủ thể trong nền kinh tế hoạt động có hiệu quả và lành mạnh. Các yếu tố độc quyền, lợi ích nhóm, cần được kiểm soát và hạn chế ở mức thấp nhất. (iv) Duy trì và cải thiện môi trường thiên nhiên, môi trường sống trong lành, thân thiện, đảm bảo sự phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. (v) Nhà nước thực hiện các chính sách và biện pháp gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

            Do vậy, tôi góp ý cần phải định hướng, nhấn mạnh trong dự thảo về đổi mới thể chế nhà nước về điều hành, quản lý kinh tế xã hội trong đó:

            - Cần làm rõ và có cơ sở khoa học để nhận biết mức độ và vai trò của nhà nước trong nền KTTT định hướng XHCN.

            - Cần ra được những thể chế, nhất là thể chế kinh tế để hài hòa và cân bằng giữa việc sử dụng công cụ thị trường và bàn tay hữu hình nhằm đạt hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội trong những tiêu chí khoa học và hợp lý;

            - Cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế quản lý của nhà nước trong đời sống kinh tế - xã hội, bao gồm cả thể chế hành chính công, thể chế quản lý kinh tế ở khu vực công và khu vực tư, thể chế quản lý các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Mục tiêu cốt lõi của đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức công cụ của công chức bộ máy.

            Hai là, đổi mới tư duy phát triển kinh tế là yếu tố then chốt, trong đó thể hiện ở việc  ban hành và thực thi chính sách của Chính phủ, hiệu ứng trực tiếp là chính sách được thực thi hiệu quả, mang lại kết quả tích cực, phù hợp thực tế, đồng thời quá trình này cũng sẽ tác động tích cực đến đổi mới tư duy phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó:

            - Đối với chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung, cần đổi mới tư duy trong việc hoạch định các chiến lược phát triển, như chiến lược xác định sản phẩm quốc gia chủ yếu, chiến lược ngành, chiến lược vùng, chiến lược phát triển các nguồn lực, chiến lược gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hộ và phải theo hướng hội nhập quốc tế.

            - Đối với chiến lược chính sách phát triển ngành công nghiệp, yêu cầu là phải xây dựng được cơ cấu công nghiệp hợp lý, gắn với yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Vấn đề là, đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hưởng hiện đại, thì chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam phải hướng đến các lĩnh vực công nghệ hiện đại, phải xây dựng được hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ, để xác định được vị trí của các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.

            - Đối với chiến lược, chính sách phát triển nông nghiệp, trong thời gian tới là phải khai thác được lợi thế so sánh vượt trội của Việt Nam về lĩnh vực này; phát triển nền nông nghiệp sinh thái chất lượng cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản và sản phẩm chế biến toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của nền nông nghiệp hiện đại.

            Ba là, cần xác định vị trí, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong mối quan hệ với khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, khu vực kinh tế nhà nước, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò nền tảng, là “B đỡ” để nền kinh tế phát triển bền vững, khu vực kinh tế nhà nước là động lực quan trọng, có vai trò đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, khu vực kinh tế tư nhân luôn có ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh doanh và là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thực tế phát triển kinh tế của các nước trên thế giới đều đã minh chứng vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Điều quan trọng là, trong nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư cần phải được xác lập với đầy đủ tính pháp lý, thông tin minh bạch, trách nhiệm rõ ràng, không nên đặt cho một bộ phận này có vai trò quan trọng hơn bộ phận khác.

            Bốn là, đối với doanh nghiệp nhà nước, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa hiện nay, là một động thái tích cực của Chính phủ, bên cạnh đó cần thiết có một thể chế pháp lý để trực tiếp chịu trách nhiệm kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, như một doanh nghiệp trong nền kinh tế, theo luật định và sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Về mặt nhận thức, không nên sử dụng các doanh nghiệp nhà nước như là một lực lượng để “can thiệp” vào nền kinh tế, can thiệp vào thị trường, nhằm “ổn định kinh tế vĩ mô”. Bởi vì, quy định “nhiệm vụ” này không chỉ vi phạm tính bình đẳng, theo quy luật thị trường, mà còn tạo ra các yếu tố “độc quyền”, tạo điều kiện cho cạnh tranh thiếu lành mạnh trong nền kinh tế. Thực tế phát triển kinh tế của nhiều nước đi trước cho thấy, khu vực kinh tế Nhà nước luôn có vai trò tạo dựng, tiên phong, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, còn các doanh nghiệp nhà nước phải được duy trì ở một tỷ lệ nhỏ, thật sự cần thiết và tuân theo “luật chơi” của thị trường.

            4. Về môi trường quốc tế và xu thế hợp tác kinh tế quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế trong nước, tôi góp ý Tổ soạn thảo cần phải tính toán và phân tích kỹ lưỡng, để bắt kịp và không bỏ lỡ cơ hội phát triển, trong đó có các diễn biến chính:

            - Năm 2015, cộng đồng ASEAN chính thức đi vào đời sống kinh tế - xã hội của 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với hơn 500 triệu dân làm chuyển động hầu như toàn bộ các thị trường hàng hóa, dịch vụ, thương mại, đầu tư và lao động, điều này làm thay đổi không nhỏ các chính sách kinh tế và thúc đẩy nhanh chóng cải cách môi trường đầu tư và kinh doanh.

            - Cuối năm 2014 hoặc năm 2015, Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái B́nh Dương (TTP) có thể được hoàn tất với một khối lượng GDP của toàn khối chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, những nước có giá trị thương mại nhỏ như Việt Nam sẽ phải chấp thuận hầu hết các cam kết thực thi, trong đó, cạnh tranh tự do và sự giảm thiểu vai trò chi phối kinh tế của kinh tế nhà nước là nguyên tắc bắt buộc. Các thị trường vốn là lợi thế của kinh tế nhà nước phải được minh bạch trong cạnh tranh, đầu tư phát triển.

            - Việt Nam đang nổ lực để cùng liên minh Châu Âu (EU) hướng đến hiệp định hợp tác khu vực mậu dịch tự do Việt Nam – EU và các cam kết thực thi những điều khoản bắt buộc trong khu vực mậu dịch tự do AFTA, WTO, APEC ở các thị trường hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, bảo hiểm, năng lượng… đều đến giai đoạn thực hiện theo lộ trình mà Việt Nam đã cam kết để các tổ chức kinh tế và định chế tài chính quốc tế, các nước có tiếng nói quan trọng tiến tới công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. 

            - Bối cảnh toàn cầu, sự phát triển khoa học và công nghệ cùng với việc đẩy nhanh các liên kết quốc tế về thương mại và đầu tư đang là xu hướng được ủng hộ của các nền kinh tế thị trường lớn trên thế giới như G7 và OECD. Các nền kinh tế mới nổi như BRICS mặc dù có những điểm khác biệt nhưng cơ bản vẫn tuân thủ theo các cam kết của các liên kết kinh tế quốc tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế và sự cần nhau trong hợp tác phát triển kinh tế thể hiện trong các cam kết tự do cạnh tranh và cải cách thể chế kinh tế thị trường.

            - Từ các diễn biến đó, bối cảnh trong nước, yêu cầu phải cải cách thể chế kinh tế thị trường để khai phóng các nguồn lực ở khu vực tư nhân là nguồn động lực để phát triển kinh tế và cũng là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Năm 2015, các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa hoàn toàn, kinh tế nhà nước không như hiện nay từ hình thức, quy mô và lĩnh vực. Sự vận hành của kinh tế nhà nước sẽ phải theo một thể thức mới để phù hợp với bối cảnh hiện tại và tương lai.

            5. Về các chỉ tiêu cho giai đoạn 5 năm 2016-2020, vì trong dài hạn 5 năm, đương nhiên mục tiêu phải toàn diện. Tuy nhiên, nên xác định những mục tiêu mũi nhọn, quan trọng trong việc điều tiết vĩ mô và vi mô trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không chạy theo quá nhiều mục tiêu để xao lãng những nhiệm vụ chính đã đề ra. Theo tôi nên chọn ra 05 nhóm mục tiêu chủ yếu, từ 05 nhóm mục tiêu chủ yếu chọn ra từ 03 đến 05 chỉ tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp khả thi cho mỗi chỉ tiêu. Trong dự thảo "Một số nội dung chủ yếu về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020", còn chưa rõ ràng giữa nhiệm vụ và giải pháp, các giải pháp chưa đột phá và tính khả thi cao. Do đó, đề nghị Tổ soạn thảo tập trung xây dựng giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020./.

File đính kèm:
Trần Xuân Hải - GĐ Sở KH&ĐT Đắk Nông
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 75
ngày hôm nay 2769
ngày hôm qua 1437
tuần này 8795
tất cả 184484