TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Những nội dung cơ bản của Luật Quốc phòng năm 2018
Đăng ngày: (09-11-2020); Số lượt đọc: 313
Luật Quốc phòng được Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08/6/2018; Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 22/6/2018 (Lệnh số 01/2018/L-CTN). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
           I. BỐ CỤC, NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT QUỐC PHÒNG

1. Bố cục: Luật quốc phòng gồm 7 Chương, 40 Điều, cụ thể như sau:

- Chương I: Những quy định chung, gồm 6 Điều (từ Điều 1 đến Điều 6): Về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động quốc phòng, chính sách của Nhà nước về quốc phòng, quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng.

- Chương II: Hoạt động cơ bản về quốc phòng, gồm 10 Điều (từ Điều 7 đến Điều 16): Quy định về nền quốc phòng toàn dân; phòng thủ quân khu; khu vực phòng thủ; giáo dục quốc phòng và an ninh; động viên quốc phòng; công nghiệp quốc phòng, an ninh; phòng thủ dân sự; đối ngoại quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; công tác quốc phòng ở Bộ, ngành Trung ương, địa phương.

- Chương III: Tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, gồm 06 Điều (từ Điều 17 đến Điều 22): Quy định về tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh; ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; tổng động viên, động viên cục bộ; quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; thiết quân luật; giới nghiêm.

- Chương IV:  Lực lượng vũ trang nhân dân, gồm 06 Điều (từ Điều 23 đến Điều 28): Quy định về thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân; quân đội nhân dân; công an nhân dân; dân quân tự vệ; chỉ huy Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.

- Chương V: Bảo đảm quốc phòng, gồm 05 Điều (từ Điều 29 đến Điều 33): Quy định về bảo đảm nguồn nhân lực; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng; bảo đảm phục vụ quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại; bảo đảm hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân.

- Chương VI: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, gồm 06 Điều (từ Điều 34 đến Điều 39): Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành Trung ương; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

- Chương VII: Điều khoản thi hành (Điều 40).

Như vậy, so với Luật hiện hành Luật Quốc phòng năm 2018 giữ nguyên nội dung 01 Điều (Điều 39 quy định Nhiệm vụ quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận); sửa đổi, bổ sung 36 Điều; bổ sung mới 03 Điều gồm: Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng (Điều 6), Phòng thủ quân khu (Điều 8) và Công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương (Điều 16).

2. Những điểm mới của Luật Quốc phòng

Luật Quốc phòng đã quy định đầy đủ, toàn diện hơn về quốc phòng của đất nước, nhất là các hoạt động quốc phòng, nhằm đáp ứng 02 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. So với Luật Quốc phòng năm 2005, Luật Quốc phòng năm 2018 có 15 quy định (phát triển mới) hết sức quan trọng, đó là:

2.1- Bổ sung chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2.2- Quy định mới về công nghiệp quốc phòng, an ninh, không tách rời nhau; phát triển quốc phòng, an ninh phải trong một chỉnh thể thống nhất, do Nhà nước quản lý, điều hành, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Điều 68 Hiến pháp năm 2013.

2.3- Bổ sung quy định về phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng.

2.4- Quy định mới về phòng thủ quân khu.

2.5- Quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với Luật thủ đô.

2.5- Bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, nhất là bình đẳng giới, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

2.6- Bổ sung quy định xây dựng tiềm lực đối ngoại vào trong xây dựng tiềm lực của khu vực phòng thủ.

2.7- Quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong việc cho ý kiến, tham gia thẩm định đối với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, quy định một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng.

2.8- Bổ sung quy định về Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) bộ, ngành Trung ương, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban CHQS bộ, ngành Trung ương; địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp.

2.9- Bổ sung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thực hiện Lệnh thiết quân luật, giới nghiêm để phù hợp với Điều 14 Hiến pháp  năm 2013.

2.10- Bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân, nhằm luật hóa vấn đề này.

2.11- Bổ sung quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại theo hướng toàn diện hơn, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

2.12- Bổ sung quy định về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân.

2.13- Bổ sung quy định về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, đối ngoại quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, phòng thủ dân sự.

1.14- Luật hóa một số quy định tại một số văn bản dưới luật về quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự vào trong Luật Quốc phòng (Nghị định số 116/2006/NĐ-CP, Nghị định số 32/2009/NĐ-CP, Nghị định số 152/2007/NĐ-CP...).

II. NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT QUỐC PHÒNG

1. Chính sách của Nhà nước về quốc phòng (Điều 4)

Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của đất nước, là mục tiêu xuyên suốt của chính sách quốc phòng Việt Nam. Vì vậy, Luật Quốc phòng đã khái quát những chính sách cơ bản về quốc phòng như sau:

- Củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

- Thực hiện độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; thực hiện chính sách hòa bình, tự vệ; sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành vi xâm lược.

- Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho quốc phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế.

- Phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng.

- Nhà nước ghi nhận công lao và khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

2. Về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng (Điều 6)

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng trong Luật Quốc phòng năm 2018 là quy định mới, trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 11 Hiến pháp năm 2013, khoản 5 Điều 13 Luật An ninh quốc gia năm 2004, Điều 6 Luật Bình đẳng giới năm 2006 và kế thừa Luật Quốc phòng năm 2005, Luật đã quy định thành 6 nhóm hành vi, bao gồm:

- Chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

- Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức vũ trang trái pháp luật.

- Điều động, sử dụng người, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện để tiến hành hoạt động vũ trang khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu đã được phê duyệt.

- Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

- Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

3. Về phòng thủ quân khu (Điều 8)

Luật Quốc phòng đã chỉnh lý quy định về phòng thủ quân khu toàn diện, chặt chẽ hơn, nhất là quy định tại khoản 1 đã thống nhất giữa phòng thủ quân khu với phòng thủ đất nước, giữa phòng thủ quân khu với khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện trong một chỉnh thể thống nhất.

Về nhiệm vụ phòng thủ quân khu đã quy định 9 nội dung bảo đảm chặt chẽ giữa các nhiệm vụ quân khu trực tiếp làm với các nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện, giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đầy đủ các tiềm lực của khu vực phòng thủ gắn với phòng thủ quân khu. Đồng thời, Luật Quốc phòng đã giao Chính phủ quy định việc chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ quân khu là phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và cũng là nội dung hiện nay đang còn thiếu, cần bổ sung quy định.

4. Về khu vực phòng thủ (Điều 9)

Về nhiệm vụ khu vực phòng thủ đã quy định 8 nội dung bảo đảm chặt chẽ các nhiệm vụ của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện thực hiện theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân khu và các nội dung phối hợp giữa quân khu và cấp tỉnh, cấp huyện. Các nhiệm vụ của khu vực phòng thủ đã bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ với nhiệm vụ phòng thủ quân khu và nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đồng thời, Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung quy định mới về khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước; thực hiện các nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, phù hợp với tính đặc thù của khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội, vừa chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, vừa chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

5. Về công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều12)

- Luật quy định công nghiệp quốc phòng, an ninh là cụ thể Điều 68 Hiến pháp năm 2013; cập nhật và thể chế kịp thời quan điểm, chủ trương mới của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các văn bản nêu trên đều quy định“Công nghiệp quốc phòng, an ninh”, không tách rời nhau giữa “Công nghiệp quốc phòng” và “Công nghiệp an ninh”;

         - Quy định “Công nghiệp quốc phòng, an ninh” trong một chỉnh thể thống nhất sẽ tập trung nguồn lực quốc gia cho đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; không làm tăng tổ chức biên chế, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư; phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Đồng thời phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh”;

         - Những năm qua, việc nghiên cứu phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, vật tư, thiết bị kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ cho cả quốc phòng và an ninh để trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

6. Về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng (Điều 15)

- Luật Quốc phòng quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cụ thể hóa Điều 68 Hiến pháp năm 2013;

- Kế thừa Luật Quốc phòng năm 2005 bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan như Luật Xây dựng năm 2014; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội...;

- Qua tổng kết Luật Quốc phòng năm 2005, thời gian qua, một số lĩnh vực, ngành, địa phương thực hiện kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng hiệu quả thấp, có nơi, có chỗ còn vi phạm pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng nguyên nhân chủ yếu là việc thực thi pháp luật không nghiêm ...

Khoản 2 Luật Quốc phòng quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong thẩm định việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến quốc phòng, vì:  

- Luật Quốc phòng chỉ quy định có tính nguyên tắc. Việc quy định cụ thể trách nhiệm thẩm định của Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Luật Quốc phòng đã quy định rõ "tính lưỡng dụng" và sự kết hợp, điểm e khoản 2 quy định ".... Dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng". Đây là sự phát triển mới, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu cao của quốc phòng và khả năng kinh tế của đất nước còn thấp; nếu thực hiện và phát huy được tính lưỡng dụng trong kết hợp, sẽ mang lại hiệu quả cao trong thực hiện hai mục tiêu chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

7. V thiết quân luật (Điều 21)

- Luật quy định thiết quân luật phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật. Khi thi hành lệnh thiết quân luật, phải thi hành một số biện pháp đặc biệt làm hạn chế một số quyền công dân, quyền con người, nên phải quy định trong Luật đồng thời luật hóa các quy định hiện hành tại Điều 15 Nghị định số 32/2009/NĐ-CP, Điều 15 Nghị định số 116/2006/NĐ-CP.

- Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do quân đội thực hiện. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ. Việc tổ chức thực hiện lệnh thiết quân luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

8. Về giới nghiêm (Điều 22)

Các quy định về giới nghiêm là kế thừa Điều 33 Luật Quốc phòng năm 2005 và một số nội dung cơ bản của Điều 19 Nghị định số 32/2009/NĐ-CP, Điều 16 Nghị định số 116/2006/NĐ-CP. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp là cơ quan chủ trì báo cáo tình hình, chủ trì soạn thảo lệnh giới nghiêm trình cấp có thẩm quyền ra lệnh. Việc quy định về phối hợp giữa các lực lượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đã được quy định tại Nghị định số 32/2009/NĐ-CP ngày 03/4/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; Nghị định 116/2006/NĐ-CP ngày 6/10/2006 của Chính phủ về động viên quốc phòng. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các đơn vị quân đội, đơn vị công an nhân dân, dân quân tự vệ thuộc thẩm quyền của Chính phủ và đã được quy định tại 32/2009/NĐ-CP, Nghị định số 116/2006/NĐ-CP, Nghị định số 77/2010/NĐ-CP và Nghị định số 133/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác. Việc xây dựng Luật về tình trạng chiến tranh, giới nghiêm, thiết quân luật do Quốc hội quyết định. Luật An ninh quốc gia năm 2004 và các văn bản pháp luật về an ninh hiện hành không điều chỉnh về giới nghiêm.

Mặt khác, các quy định của Luật Quốc phòng phù hợp với thực tiễn, nhằm ổn định tình hình, đồng thời ngăn chặn dẫn tới bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền.

9. Về vấn đề ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương (Điều 16)

Luật Quốc phòng quy định Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương trên cơ sở các Nghị định số 119/2004/NĐ-CP, Nghị định số 03/2016/NĐ-CP, Điều 23 Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương đã được tổ chức, hoạt động trên 20 năm, đã được quy định tại Luật Dân quân tự vệ. Tuy nhiên, việc quy định Ban Chỉ huy quân sự ở Luật Dân quân tự vệ là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, không phải là tổ chức chỉ huy đơn vị tự vệ. Vì vậy, quy định trong Luật Quốc phòng là phù hợp và bãi bỏ quy định này tại Luật Dân quân tự vệ.

Thứ hai, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do đó không làm tăng biên chế, không phát sinh thêm bộ máy hành chính, đã thực hiện ổn định và phát huy tốt vai trò, chức năng, hiệu quả trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của từng bộ, ngành Trung ương.

Thứ ba, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương có chức năng, nhiệm vụ cụ thể:

- Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, quân sự; tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở bộ, ngành mình;

- Thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh;

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ động viên các nguồn lực của bộ, ngành để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống;

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân; xây dựng cơ quan, đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành quản lý thực hiện công tác tổ chức, huấn luyện, diễn tập, hoạt động của lực lượng tự vệ; quản lý, huy động lực lượng dự bị động viên, tuyển quân. Thực hiện công tác phòng thủ dân sự;

- Bảo đảm ngân sách cho thực hiện công tác quốc phòng, quân sự; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

10. Về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội (khoản 2 Điều 25)

Luật Quốc phòng năm 2005 chưa quy định cụ thể, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân; Quân đội thực hiện lao động sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Quân đội đã được xác định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 12 (mở rộng) tháng 3/1957 về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, Nghị quyết số 71/ĐUQSTW ngày 25/4/2002 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25/9/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội đến năm 2020. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 về xây dựng khu kinh tế - quốc phòng.

Thực tiễn hơn 70 năm qua, Quân đội tham gia lao động sản xuất đã tạo nguồn lực đáng kể trực tiếp xây dựng quân đội để hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trên địa bàn biên giới, biển, đảo. Các doanh nghiệp quốc phòng là lực lượng chủ yếu trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị công nghệ cao; các khu kinh tế  - quốc phòng được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ do quân đội thực hiện đã tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Vì vậy, Quân đội tham gia lao động sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong suốt thời gian qua.

11. Về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng “... duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới” (khoản 2 Điều 35)

- Luật Quốc phòng quy định nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Quốc phòng đảm bảo thống nhất với khoản 2 Điều 31, khoản 2 Điều 36 Luật Biên giới quốc gia, điểm c khoản 1 Điều 22 Luật An ninh quốc gia; khoản 5 Điều 15 Luật Công an nhân dân, Điều 2, Điều 5 Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng; Điều 1, Điều 2 Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; theo đó, đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

- Phù hợp với tình hình thực tiễn của Bộ đội Biên phòng (BĐBP): Từ ngày thành lập, Đảng đã có 07 Nghị quyết và 01 Kết luận lãnh đạo, chỉ đạo về công tác biên phòng và xây dựng BĐBP. Trong đó, Nghị quyết số 11/NQTW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị (khóa VII) đã xác định "BĐBP thực hiện tốt ba chức năng quản lý nhà nước về an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở khu vực biên giới; trong thời bình là quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự biên giới quốc gia ..." ; Thông báo số 165-TB/TW ngày 22/12/2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kết luận tổ chức BĐBP đã chỉ rõ "Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ BĐBP như Nghị quyết số 11/NQTW của Bộ Chính trị (khóa VII) đã xác định".

File đính kèm:
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 527
ngày hôm nay 338
ngày hôm qua 3755
tuần này 15349
tất cả 254362