TIN TỨC
Trang chủ  Thông tin chỉ đạo, điều hành Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông
Triển khai các nhiệm vụ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Đăng ngày: (21-10-2018); Số lượt đọc: 737
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
 Để triển khai thực hiện cụ thể, có hiệu quả Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp (Thông báo số 318/TB-VPCP ngày 27/8/2018 của Văn phòng Chính phủ), UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để áp dụng thực hiện thủ tục liên thông và rút gọn thủ tục hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ. Hoàn thành trước ngày 30/11/2018.

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch ngân sách trung hạn và hàng năm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh Đắk Nông, về ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông.

- Hàng năm tổ chức Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; đặc biệt, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

            - Căn cứ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 để đề xuất danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ (gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp), làm cơ sở để các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng kế hoạch vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án,... Trong đó, chú trọng đến các dự án đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung như: Doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân (theo Điều 7, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ),… nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng, tiểu vùng, tạo điều kiện hình thành nên các vùng nguyên liệu có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường và ổn định nguyên liệu cho các nhà máy; gắn với việc kêu gọi đầu tư vào tất cả các khâu trên toàn chuỗi giá trị như: Vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, kho bảo quản, sơ chế, vận chuyển, siêu thị,… Hoàn thành trước ngày 15/11/2018.

            - Ban hành các tài liệu, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát chất lượng và công nhận các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn như Việt GAP, Global GAP,... để người sản xuất áp dụng. Triển khai các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu tới thành phẩm, nhằm tạo thuận lợi và sớm có kết quả cho người dân và doanh nghiệp. Hoàn thành trước ngày 31/12/2018.

            - Đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh giảm thời gian và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và UBND cấp huyện. Hoàn thành trước ngày 31/12/2018.

            - Tham mưu UBND tỉnh xác định danh mục sản phẩm chủ lực Quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, sản phẩm chủ lực của tỉnh (05 sản phẩm), sản phẩm đặc sản địa phương để ưu tiên đầu tư phát triển. Hoàn thành trước ngày 15/11/2018.

            3. Sở Công Thương:

            - Nghiên cứu, dự báo sâu về nhu cầu của thị trường, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, giá cả… sản phẩm nông nghiệp của thị trường trong nước và nước ngoài để đưa ra các khuyến cáo, thông tin định hướng cho doanh nghiệp và người dân biết nhằm điều tiết sản xuất, quyết định lựa chọn sản phẩm trước khi tổ chức sản xuất, hạn chế các rủi ro, ép giá,…

- Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến thương mại hàng hóa nông sản của tỉnh vào các thị trường điểm, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào hệ thống bán lẻ, các siêu thị trong và ngoài nước.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh chỉ đạo các thành viên tăng cường các hoạt động nắm bắt thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa nông sản. Tăng cường kiểm tra theo hướng “tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm”; tự kiểm tra theo các thông tin bắt buộc của nhà sản xuất trên bao bì, nhãn hàng hóa; chỉ thực hiện kiểm tra đối chiếu với doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh, đầu cơ, găm hàng, bán phá giá… Trong quá trình triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, không gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu UBND tỉnh trong việc hướng dẫn, thể chế hoá các quy định tại Điều 6, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ, về hỗ trợ tập trung đất đai phù hợp với các quy định pháp luật và các chính sách ưu đãi về giá đất tại địa phương.

- Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định tại Điều 7, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ VIII.

- Hướng dẫn trình tự, thủ tục cho doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư khi thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước áp dụng mức giá đất ưu đãi do UBND tỉnh quy định và giá thuê đất, thuê mặt nước ổn định tối thiểu 05 năm. Hoàn thành trước ngày 31/12/2018.

5. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh

- Thống nhất với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện quy định các công trình xây dựng trên đất, máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến của doanh nghiệp (kể cả các tài sản hình thành từ nguồn vốn vay) được tính là tài sản thế chấp vay vốn tại các Ngân hàng thương mại, góp phần thúc đẩy cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.

- Công khai các hướng dẫn trình tự thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các Ngân hàng thương mại để phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, xây dựng chính sách kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng tín dụng đen trong nông nghiệp để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cụ thể hỗ trợ đăng ký, chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp,…

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo nghiệm các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất,… theo hình thức đặt hàng nghiên cứu khoa học; trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh, gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, nâng cao hiệu quả nguồn vốn khoa học công nghệ.

- Tăng cường các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

7. UBND các huyện, thị xã:

- Rà soát, xác định và xây dựng những sản phẩm chủ lực của địa phương mình cần ưu tiên đầu tư phát triển theo từng tiểu vùng cụ thể để thực hiện các biện pháp thúc đẩy liên kết sản xuất, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất tập trung tạo ra nguồn nguyên liệu có quy mô lớn và ổn định; đồng thời, đề xuất các dự án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, nhà máy chế biến, bảo quản… Trên cơ sở đó đăng ký danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ; hoàn thành trước ngày 10/11/2018. Hàng năm, rà soát đề nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục.

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và đề nghị các tổ chức đoàn thể của địa phương như: Phòng nông nghiệp, Hội nông dân,… tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thực hiện liên kết hình thành nên các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; liên kết với doanh nghiệp để hình thành những chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, để các thành viên được hưởng lợi từ chiết khấu giá cả hàng hóa, vật tư, thiết bị của các nhà cung ứng; dùng chung thiết bị, kho bãi,… để đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, chế biến, tiết kiệm chi phí sản xuất.

8. Các Sở, ngành, địa phương cần quán triệt công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ và nghiêm túc thực hiện theo tinh thần ủng hộ, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; bảo vệ quyền về tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư kinh doanh và phát triển.

9. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động, là cầu nối quan trọng, kết nối doanh nghiệp (cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ…) với các tập thể, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và kết nối giữa họ với nhau để hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất tập trung, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của sản xuất quy mô lớn, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia có xuất xứ từ tỉnh Đắk Nông và sản phẩm chủ lực của tỉnh và các địa phương trong tỉnh.

10. Các cơ quan truyền thông, báo chí, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp: Tăng cường công tác tuyên truyền các mô hình sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao, các mô hình liên theo chuỗi giá trị sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn các mô hình sản xuất đơn lẻ; thông tin về xu hướng giá cả, xu hướng tiêu dùng, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng… của thị trường thế giới và trong nước để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, quyết định lựa chọn sản phẩm trước khi sản xuất, để hạn chế các rũi ro cho người sản xuất.

Nhận được văn bản này, yêu cầu các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

File đính kèm:
Đắk Nông DPI
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 50
ngày hôm nay 2098
ngày hôm qua 3755
tuần này 17109
tất cả 256122