TIN TỨC
Trang chủ  Thông tin chỉ đạo, điều hành Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông
Kế hoạch cải thiện chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chỉ số PCI năm 2018
Đăng ngày: (31-08-2018); Số lượt đọc: 930
Ngày 13/8/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 419/KH-UBND vê cải thiện chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chỉ số PCI năm 2018, với mục tiêu, nội dung, giải pháp như sau:
 

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Góp phần cải thiện điểm số và đưa chỉ số PCI của tỉnh Đắk Nông đứng ở nhóm trung bình khá cả nước; trong đó các chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đứng ở nhóm khá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường công tác hỗ trợ nhà đầu tư, hậu kiểm các dự án sau khi có quyết định chủ trương đầu tư và chứng nhận đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận ưu đãi đầu tư; triển khai các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh; triển khai các hoạt động tư vấn (miễn phí) về dịch vụ công: Tư vấn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính.

- Triển khai thực hiện tốt các chương trình khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp,…

* Ghi chú: Mục tiêu, trách nhiệm cụ thể theo Phụ lục 01, kèm theo Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 19/6/2018 của UBND tỉnh, về triển khai Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2018.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và tăng số lượng các tổ chức kinh tế cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn (như dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn về pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, liên quan đến công nghệ, đào tạo về kế toán và tài chính, đào tạo về quản trị kinh doanh,...).

- Phát huy vai trò của Tổ dịch vụ công để tư vấn và lập hồ sơ miễn phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến liên hệ tìm hiểu, thành lập doanh nghiệp, quyết định đầu tư, Trong đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng cẩm nang hướng dẫn chi tiết thủ tục thành lập đối với từng loại hình doanh nghiệp, các thủ tục khác trước khi doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động cũng như các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư; Tổ hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã mới thành lập hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giải quyết chủ trương, dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách và Tổ giúp việc Hội đồng để rà soát, thẩm tra năng lực nhà đầu tư, quy mô, sự phù hợp, …của dự án trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ngành và địa phương, bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện, gắn liền với trách nhiệm cá nhân.

- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ịnh kỳ 02 quý/01 lần) theo chuyên đề với thành phần tham gia, chỉ đạo trực tiếp Hội nghị gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã có liên quan; định kỳ hàng tháng, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá lại và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, khắc phục kịp thời các tồn tại, bất cập trong thực hiện mô hình cà phê doanh nhân định kỳ, nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan triển khai chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã; các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực quản trị tài chính, kế toán, thuế, hội nhập kinh tế - quốc tế,...

2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan

- Tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, chính sách liên quan về hội nhập, cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA),... cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các rào cản thương mại, xử lý hiệu quả các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ của nước nhập khẩu,... để nắm bắt cơ hội và vượt qua những thách thức trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nhầm nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Cập nhật thông báo và cảnh báo từ các nước thành viên WTO gửi cho doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất kinh doanh; thường xuyên tổ chức hoặc vận động các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

- Rà soát doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, giới thiệu cho các Tổng công ty, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, dần hình thành theo hướng liên kết chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng đầu vào đến thị trường đầu ra.

         - Giới thiệu các sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp và tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại để kết nối giao thương.

- Thu thập thông tin, biên soạn, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; phát hành các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm; thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, các kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước, 

3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan

Xây dựng và đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: Tổ chức tuyên truyền pháp luật kết hợp với tư vấn, giải đáp cho từng nhóm doanh nghiệp cụ thể, tới từng doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan

- Xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động, gắn đào tạo nghề cho lao động với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tham mưu đề xuất các giải pháp vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ cung ứng nhân sự (hiện tại, Tỉnh chưa có doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này) để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động.

- Tổ chức điều tra, đánh giá tình hình thực tế lao động của tỉnh, rà soát đánh giá chất lượng các trường, cơ sở dạy nghề, tham mưu đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tế lao động của tỉnh.

5. Văn phòng UBND tỉnh

- Theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã đăng tải đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính trên Website Một cửa tỉnh Đắk Nông và niêm yết tại trụ sở Trung tâm Hành chính công tỉnh; đồng thời, bố trí các banner tra cứu các thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tiện sử dụng, tra cứu.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả về: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếp nhận thủ tục hành chính,

- Bố trí công chức có nghiệp vụ, am hiểu về thủ tục hành chính để hướng dẫn doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã rà soát trình UBND tỉnh công bố và triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính đã được Chính phủ chỉ đạo.

6. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan: Tổ chức khảo sát, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp đ tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, kết nối cung - cầu công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

7. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh: Chủ trì tổ chức hoặc chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các chương trình tiếp xúc khách hàng, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp về các vấn đề liên quan như: Việc tiếp cận vốn, thủ tục vay vốn, lãi suất và các chương trình tín dụng đang triển khai,

8. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan: Thiết lập điện thoại đường dây nóng của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ánh 24/24 giờ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức khảo sát doanh nghiệp về mức độ hài lòng đối với Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả về việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; qua đó có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở những nội dung chủ yếu của Kế hoạch này, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương nhằm nâng cao chỉ số PCI trong năm 2018; đồng thời, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đôn đốc, kiểm tra các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này; định kỳ hàng quý, năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kịp thời đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền./.

(Ghi chú: nội dung, thời gian báo cáo được thực hiện lồng ghép vào báo cáo Kế hoạch hành động số 264a/KH-UBND ngày 31/5/2018 của UBND tỉnh, về việc triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 19/6/2018 của UBND tỉnh về Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2018)

File đính kèm:
DPI Đắk Nông
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 85
ngày hôm nay 2857
ngày hôm qua 1437
tuần này 8883
tất cả 184572