TIN TỨC
Trang chủ  Tin tức - Sự kiện
Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam
Đăng ngày: (17-07-2018); Số lượt đọc: 349
Đây là chủ đề của Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ và Đại sứ quán Ốt-xtrây-li-a phối hợp tổ chức ngày 12/7/2018. Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về những kinh nghiệm của Ốt-xtrây-li-a cũng như các nước trên thế giới về phương thức thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và việc xử lý các vấn đề mới nổi của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.
 

Thiết kế các chính sách kinh tế mới, phù hợp mô hình kinh tế chia sẻ

Mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) khá mới mẻ trên thế giới và lại càng mới mẻ ở Việt Nam. Mô hình kinh tế này phát triển mạnh trong những năm gần đây ở một số nước trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội do giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản và tài nguyên hiệu quả hơn. Lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của KTCS còn có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đã làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia ... Vì vậy, việc thiết kế các chính sách kinh tế mới, phù hợp hơn với những phát triển của loại hình KTCS được đặt ra đối với tất cả các nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam không phải là ngoại lệ trong quá trình phát triển mô hình kinh doanh mới. Những lợi ích và rủi ro cho nền kinh tế cũng như người tiêu dùng cũng đã xuất hiện. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết.

Tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình KTCS”. Đề án này đang được xây dựng để triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của Chính phủ và cũng để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại hình KTCS ở Việt Nam.

Trong bối cảnh mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó sản suất thông minh và các thành tựu đột phá của khoa học công nghệ được ứng dụng, cơ cấu kinh tế toàn cầu đã và sẽ có nhiều thay đổi. Tỷ trọng của kinh tế số, KTCS, kinh tế trả công theo dịch vụ đang tăng lên nhanh chóng không chỉ ở các nước đã phát triển mà cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Các vấn đề về quản lý nhà nước ở Việt Nam đối với loại hình kinh tế này đang được đặt ra hết sức cấp bách để tận dụng được các lợi ích mà nó mang lại, đặc biệt là việc thúc đẩy sử dụng các tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Trong quá trình này, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tác động của những xu thế lớn của công nghệ số đối với nền kinh tế nói chung và đối với mô hình kinh doanh của KTCS nói riêng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc đánh giá xu hướng phát triển của KTCS ở Việt Nam sẽ giúp cho việc nâng cao nhận thức của xã hội về các hoạt động kinh tế này, giúp Chính phủ những thông tin cần thiết để thiết kế một chiến lược thích ứng tốt và tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Rebecca Bryant, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Ốt-xtrây-li-a cho rằng, Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng các cơ hội phát triển bởi nền KTCS. Với nền dân số trẻ, có trình độ học vấn và số người sở hữu điện thoại thông minh gần 70%. Vì vậy, nền kinh tế của Việt Nam có lợi từ những công nghệ đang phát triển này.

Đổi mới là một trong những trụ cột quan trọng trong mối quan hệ viện trợ song phương của Ốt-xtrây-li-a với Việt Nam. Ốt-xtrây-li-a đã dành 10 triệu đô la trong bốn năm tài chính 2017-2021 để tài trợ cho sáng kiến ​​đổi mới tại Việt Nam với Chương trình Aus4innovation.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Stefa Hajkowicz, Trưởng nhóm Data 61, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Liên bang Úc (CSIRO) cho biết, hiện nay, Ốt-xtrây-li-a đã triển khai dự án đầu tiên được tài trợ theo chương trình Aus4innovation, dự án “Kinh tế kỹ thuật số tương lai Việt Nam” nhằm mục đích kiểm tra các tác động của công nghệ kỹ thuật số trong việc làm, giáo dục, đào tạo, tăng trưởng ngành. Dự án trị giá 01 triệu đô la này đang được thực hiện bởi nhóm Data 61 tại CSIRO và là một phần của chương trình Aus4innovation trị giá 10 triệu đô la.

Phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới

Chia sẻ tại Hội thảo về cơ hội và thách thức đối với mô hình KTCS ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bản chất của KTCS là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. So với mô hình kinh tế truyền thống, KTCS là trung tâm với ứng dụng công nghệ số.

Trong đó, giao dịch được thực hiện qua nền tảng trực tuyến do bên thứ ba cung cấp, mở ra nhiều cơ hội hơn cho người tiêu dùng lựa chọn với giá rẻ hơn. Các cá nhân có thể tham gia dưới hình thức bán thời gian, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, khách hàng và nhà cung cấp có thể tạo nên sự đảm bảo chung và xây dựng lòng tin bằng hệ thống xếp hạng và đánh giá đối tác giao dịch. Cùng với đó, những tài sản vật chất được “chia sẻ” hoặc sử dụng như những dịch vụ, thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống, từ “sở hữu tài sản” sang phương thức “sử dụng tài sản mà không cần sở hữu”. Giá trị tạo ra nhờ đổi mới sáng tạo/kết nối mạng trên nền tảng số, thu lợi từ hiệu suất kinh tế nhờ quy mô.

KTCS tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới cho Việt Nam dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0. Thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập, tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường, giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam. Cơ hội cải cách bộ máy hành chính theo hướng chính phủ số và thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, nền KTCS cũng làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ 3 bên (thay vì 2 bên) trong hợp đồng kinh tế, xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống, cạnh tranh không công bằng, tập trung kinh tế. Đối với quản lý nhà nước, khó kiểm soát, đặc biệt các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, an toàn lao động, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xã hội… đối với các bên tham gia. Cơ sở hạ tầng thông tin yếu kém và năng lực đổi mới sáng tạo yếu kém dẫn đến hạn chế các ý tưởng đổi mới và startups.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát triển nền KTCS, Việt Nam cần tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội của mô hình KTCS mang lại. Coi đó cũng là tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể là sự phát triển của thời đại số, bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó KTCS chỉ là một dạng mô hình kinh doanh mới ở một số lĩnh vực, tồn tại đồng hành cùng mô hình kinh doanh truyền thống. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích các startups.

Để tận dụng cơ hội của KTCS thì cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm… Đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử/số và cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình KTCS. Tăng hoạt động đánh giá tác động của KTCS đến các mục tiêu phát triển và dự báo sự phát triển của các lĩnh vực có tiềm năng cho mô hình KTCS để chủ động điều chỉnh linh hoạt chính sách, quy định./.

 

File đính kèm:
mpi.gov.vn
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 41
ngày hôm nay 1074
ngày hôm qua 3273
tuần này 12330
tất cả 251343