TIN TỨC
Trang chủ  Thông tin chỉ đạo, điều hành Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông
Ưu tiên hỗ trợ chủ doanh nghiệp trẻ, chủ trang trại trẻ
Đăng ngày: (06-04-2018); Số lượt đọc: 635
Mới đây, ngày 1/2/2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 192/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ, chủ trang trại trẻ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
 Theo đó, bên cạnh ưu tiên hỗ trợ các chủ doanh nghiệp trẻ, chủ trang trại trẻ được tiếp cận các chính sách của Nhà nước hiện hành, nhằm khai thác tốt tiềm lực, tỉnh sẽ hướng tới xây dựng các chính sách đặc thù của tỉnh dành cho họ.

Theo đánh giá, hiện nay, doanh nghiệp trẻ, chủ trang trại trẻ trên địa bàn tỉnh đã và đang ngày càng phát triển, bước đầu đã có những đóng góp nhất định cho chính bản thân, gia đình và xa hơn là cho cộng đồng, địa phương. Trong tương lai không xa, những doanh nghiệp trẻ, những trang trại trẻ sẽ là một cấu thành quan trọng trong nền kinh kế của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh nhiệt huyết, khát vọng vươn lên làm giàu của tuổi trẻ, họ phải đối mặt với những thách thức không hề đơn giản, đó là vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, tiếp cận thông tin, thị trường…

Qua thống kê, tính đến thời điểm cuối năm 2017, số doanh nghiệp (DN) có chủ DN trong độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống có khoảng 960 DN trong tổng số 2.588 DN và các đơn vị trực thuộc đang hoạt động và có phát sinh thuế trên toàn tỉnh, chiếm 37,1%. Phân theo lĩnh vực hoạt động: Lĩnh vực nông nghiệp có 48 DN, chiếm 5%; công nghiệp-xây dựng có 336 DN, chiếm 35%; thương mại-dịch vụ có 576 DN, chiếm 60%. Các DN này có tổng số vốn đăng ký 5.124 tỷ đồng, số lao động đăng ký sử dụng là 7.897 người.

Tuy nhiên, hầu hết các DN trẻ đều thuộc nhóm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm 99,23% tổng số DN toàn tỉnh) và không nằm ngoài những đặc điểm chung của DN tỉnh Đắk Nông, đó là vốn đầu tư nhỏ, xuất phát từ vốn tự có, đi vay mượn từ cá nhân, tổ chức khác. Vì vậy, phần lớn các DN còn nhiều hạn chế về vốn đầu tư cho xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ. Kiến thức về quản trị và kỹ năng quản lý còn thiếu, cần phải được đào tạo bài bản về kiến thức kinh doanh, quản lý, luật pháp.

Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nhỏ và chưa nhằm vào các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao nên lao động tại các DN còn ít, trình độ thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Tài sản về bất động sản (công trình xây dựng và đất đai) cho sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế, chủ yếu là đi thuê lại. Máy móc thiết bị phục vụ sản xuất còn đơn giản, thiếu vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất mới, hạn chế trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ. Thương hiệu cho sản phẩm chưa được quan tâm xây dựng hoặc đã xây dựng nhưng gặp phải sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường.

Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 341 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư 27 ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp-PTNT. Trong đó, trồng trọt: 154 trang trại, chiếm 45,2%; chăn nuôi: 113 trang trại, chiếm 33,1%; nuôi trồng thủy sản: 1 trang trại, chiếm 0,3%; tổng hợp: 73 trang trại, chiếm 21,4%. Chủ trang trại trong độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống có khoảng 43 trang trại, chiếm 12,6% tổng số trang trại đã được cấp chứng nhận, tập trung vào hai loại hình chính là trang trại trồng trọt và tổng hợp.

Trên thực tế hiện nay, số lượng trang trại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đạt tiêu chí theo Thông tư 27 là 925 trang trại. Trong đó, trồng trọt: 796 trang trại, chiếm 86,1%; chăn nuôi: 39 trang trại, chiếm 4,2%; tổng hợp: 90 trang trại, chiếm 9,7%. Chủ trang trại trong độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống có khoảng 120 trang trại, chiếm 13% tổng số trang trại.

Một thực tế cho thấy, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn như thiếu quy hoạch, mang tính tự phát, số lượng trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp. Vì vậy, nhiều chủ trang trại chưa yên tâm đầu tư vốn để sản xuất, hoặc thiếu vốn sản xuất, khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Lao động của trang trại chưa qua đào tạo ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ trang trại có trang thiết bị để cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao do giá cả thị trường bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ và chất lượng của sản phẩm do trang trại sản xuất ra.

Từ thực tế trên, để giúp cho những chủ doanh nghiệp trẻ, chủ trang trại trẻ, những thanh niên khởi nghiệp nhanh chóng khẳng định vị thế trong xã hội thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cần phải có những định hướng và giải pháp đồng bộ. Theo đề án, trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh phấn đấu có từ 15-20 doanh nghiệp trẻ, chủ trang trại trẻ được hỗ trợ tiếp cận các chính sách của Trung ương và địa phương. Đồng thời, tất cả các doanh nghiệp trẻ, chủ trang trại trẻ được hỗ trợ đào tạo về quản trị, đào tạo lao động có tay nghề; được chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất, chế biến; được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn; quảng bá sản phẩm, hướng đến xây dựng sản phẩm có thương hiệu, mở rộng thị trường; hình thành và phát triển chuỗi liên kết giá trị, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

File đính kèm: 1. 16_de_an_dn_tre.docx (63.0957 Kb)
Đắk Nông điện tử
Tin khác
 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 98
ngày hôm nay 181
ngày hôm qua 3355
tuần này 9562
tất cả 185251