Ngày 06/4/2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 484/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Tổng thể Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” năm 2018
Đắk Nông là tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích ước tính hơn 1.500 ha và năng suất bình quân từ 10 - 15 tấn/ha. Diện tích bơ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng cây ăn quả trên địa bàn. Bơ Đắk Nông đã từng bước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chương trình “Đắk Nông - Mùa Bơ chín” năm 2018 là sự kiện tôn vinh trái bơ lần đầu tiên được tổ chức tại Đắk Nông. Chương trình góp phần rất lớn trong việc quảng bá sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong và ngoài nước, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.
Từ trước đến nay, cây bơ và sản phẩm bơ của tỉnh Đắk Nông chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, vì chủ yếu người dân bán qua thương lái. Bên cạnh đó, người nông dân trồng bơ và thương lái mua bơ chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Đầu ra của sản phẩm lại chưa ổn định, thiếu sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Giá sản phẩm hàng hóa còn thấp, không ổn định… Vì vậy, sự kiện “Đắk Nông - Mùa bơ chín” năm 2018 được tổ chức sẽ góp phần lớn trong việc quảng bá thương hiệu cho sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng. Đây còn là cơ hội để kết nối, hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, người sản xuất và các kênh tiêu thụ sản phẩm bơ trên địa bàn.
PHẦN I: MỞ ĐẦU
1. Mục tiêu
Với mục tiêu quảng bá sản phẩm “Bơ Đắk Nông” đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị trái bơ đối với người sản xuất và kinh doanh bơ, khẳng định vị thế bơ Đắk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng bơ Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới;
Tạo điều kiện cho các tổ chức, trang trại, hộ gia đình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh về cây bơ nói riêng và các loại nông sản nói chung, trao đổi thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp thu mua, chế biến và các kênh tiêu thụ sản phẩm bơ trong và ngoài nước;
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Tìm kiếm và tuyển chọn những cây giống Bơ ngon, chất lượng, năng suất cao làm giống đầu dòng để đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, kết hợp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông nhằm xúc tiến kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
2. Yêu cầu
Việc tổ chức Chương trình phải đúng theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy Đắk Nông và UBND tỉnh Đắk Nông.
Các hoạt động Chương trình phải bám sát mục tiêu, thật sự ấn tượng, thiết thực, hiệu quả tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm; chú trọng tới sự tham gia của người dân với tư cách là chủ thể của Chương trình.
Công tác tổ chức phải đề cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả; đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời của các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan ngoài tỉnh.
3. Lợi ích mang lại từ Chương trình
3.1. Về kinh tế:
- Nâng cao giá trị sản phẩm Bơ Đắk Nông, góp phần định vị và xây dựng thương hiệu Bơ Đắk Nông.
- Kích cầu các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh Đắk Nông; thúc đẩy tiêu dùng bơ đối với thị trường trong nước; là cơ hội để các nhà lãnh đạo, quản lý ngành hàng Bơ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bơ thảo luận, thống nhất biện pháp gia tăng giá trị xuất khẩu và từng bước xây dựng sản phẩm quốc gia, thương hiệu quốc gia.
- Cơ hội tìm kiếm đối tác, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông và liên kết vùng Tây Nguyên.
3.2. Về văn hóa, xã hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá, tiềm năng du lịch, hình ảnh con người vùng đất Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế.
PHẦN II: NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu tổ chức thành công Chương trình “Đắk Nông - Mùa Bơ chín” năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong và ngoài nước, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, con người và văn hoá của Đắk Nông đến bè bạn trong và ngoài nước.
Chương trình “Đắk Nông - Mùa Bơ chín” năm 2018 gồm 05 sự kiện. Thời gian tổ chức dự kiến từ ngày 19 - 22/7/2018. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến: 10.067.500.000 đồng (mười tỷ không trăm sáu mươi bảy triệu năm trăm ngàn đồng chẵn), trong đó: Nguồn ngân sách nhà nước: 327.500.000 đồng (ba trăm hai mươi bảy triệu năm trăm ngàn đồng chẵn); Nguồn xã hội hóa: 9.740.000.000 đồng (chín tỷ bảy trăm bốn mươi triệu đồng chẵn). Địa điểm dự kiến tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Đắk Nông, Hội trường nhà hàng Lodge hoặc Sơn Mã và Đảo nổi Hồ Gia Nghĩa, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, cụ thể với các sự kiện sau:
1. Chương trình khai mạc, bế mạc:
- Lễ khai mạc: Vào lúc 20 giờ 00, Thứ Năm, ngày 19/7/2018
- Lễ bế mạc: Vào lúc 20 giờ 00, Chủ nhật, ngày 22/7/2018
(Truyền hình trực tiếp tại Đảo nổi Hồ Gia Nghĩa)
- Quy mô: Cấp tỉnh, dự kiến mời khoảng 1.000 đại biểu, trong đó: mời Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; UBND các tỉnh Tây Nguyên; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh có trồng Bơ như: Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre, Phú Yên, Đắk Lắk,….; các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp kết nối cung cầu trong và ngoài nước; nông dân các huyện và thị xã Gia Nghĩa.
- Địa điểm dự kiến: Đảo nổi Hồ Gia Nghĩa, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
- Chương trình khai mạc: Truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam (Dự kiến một trong các kênh sau: trên VTV1, VTV2, VTV5, VTV8), Đài Truyền hình các tỉnh Tây Nguyên.
- Chương trình bế mạc: Truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình tỉnh Đắk Nông.
- Đơn vị chủ trì: UBND tỉnh Đắk Nông.
- Đơn vị tổ chức thực hiện: Công ty TNHH Đông Nam Media phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện. Công ty TNHH Đông Nam Media chủ động xây dựng đề án/kế hoạch chi tiết (nội dung, lộ trình, thời gian thực hiện, kinh phí, phân công nhiệm vụ,…) trình Ban tổ chức Chương trình xem xét phê duyệt trước ngày 12/4/2018 (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư); Xây dựng kịch bản chương trình Khai mạc, bế mạc trình Ban tổ chức trước ngày 30/04/2018 (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để xin ý kiến Ban chỉ đạo chương trình.
- Kinh phí thực hiện:
+ Tổng kinh phí dự kiến: 3,9 tỷ đồng (ba tỷ chín trăm triệu đồng). Trong đó: Chương trình Khai mạc (bao gồm kinh phí công tác chuẩn bị, văn hóa, văn nghệ, truyền thông, trước trong và sau sự kiện,…) dự kiến 2,9 tỷ đồng, Bế mạc: 01 tỷ đồng.
+ Nguồn kinh phí: 100% từ nguồn xã hội hóa.
2. Hội thảo “Phát triển Bơ bền vững”:
- Quy mô: Cấp tỉnh, dự kiến khoảng 600 đại biểu, trong đó: mời Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; UBND các tỉnh Tây Nguyên; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh có trồng Bơ như: Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre, Phú Yên, Đắk Lắk ….; các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp kết nối cung cầu trong và ngoài nước; nông dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa.
- Thời gian: Vào lúc 08 giờ 00, thứ Sáu, ngày 20/7/2018.
- Địa điểm: Gia Nghĩa, Đắk Nông (dự kiến: Hội trường Nhà hàng Lodge hoặc Sơn Mã).
- Đơn vị chủ trì: UBND tỉnh.
- Đơn vị tổ chức thực hiện:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng đề án/kế hoạch chi tiết thực hiện (nội dung, kinh phí, thời gian, lộ trình, phân công nhiệm vụ thực hiện,…), trình UBND tỉnh trước ngày 12/4/2018 (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 20/4/2018.
- Kinh phí thực hiện:
+ Tổng kinh phí dự kiến: 105.130.000 đồng (Một trăm lẻ năm triệu, một trăm ba mươi ngàn đồng).
+ Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước.
- Nội dung chính Hội thảo:
+ Chiến lược, định hướng phát triển Bơ bền vững trên địa bàn tỉnh;
+ Trao đổi, giải đáp, chia sẽ kinh nghiệm giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học.
3. Hội chợ thương mại, kết nối cung cầu Bơ và các sản phẩm nông nghiệp:
- Khai mạc: Vào lúc 08 giờ 00, Thứ Năm, ngày 19/7/2018.
- Bế mạc: Vào lúc 20 giờ 00, Chủ nhật, ngày 22/7/2018 (hoạt động duy trì đến hết 22 giờ 00 cùng ngày).
- Quy mô: Cấp tỉnh từ 200 - 300 gian hàng, thành phần: Gian hàng các huyện, thị xã và doanh nghiệp trong tỉnh; gian hàng các tỉnh trồng bơ và các loại trái cây đặc sản các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ; gian hàng của các Công ty: Phân bón, Thuốc bảo vệ thực vật, Giống cây trồng và thương mại, dịch vụ của các tỉnh, thành phố bạn.
- Thời gian: Từ ngày 19 - 22/7/2018 (thứ Năm - Chủ nhật).
- Địa điểm: Đảo nổi Hồ Gia Nghĩa, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
- Nội dung tập trung trưng bày, giới thiệu sản phẩm Bơ và các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, gồm:
+ Các loại Bơ ngon.
+ Các dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị hỗ trợ trồng Bơ, thu hoạch Bơ và trong sản xuất nông nghiệp.
+ Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây Bơ và sản phẩm nông nghiệp khác.
+ Các sản phẩm khác liên quan đến Bơ
+ Các sản phẩm nông nghiệp.
+ Đồ thủ công mỹ nghệ.
+ Các sản phẩm công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
+ Các sản phẩm đặc trưng khác của Đắk Nông.
- Về tổ chức gian hàng:
+ Gian hàng cho: UBND các huyện, thị xã; hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia.
+ Tổ chức khu vực tư vấn cho nông dân về phương pháp trồng trọt Bơ sạch và phương pháp tái canh.
+ Tổ chức khu ẩm thực: Bố trí khu vực ẩm thực với các đặc sản Đắk Nông và giao lưu với đặc sản các vùng miền khác đảm bảo mỹ quan và hợp vệ sinh.
+ Tổ chức khu vực cho Hội thi Trái Bơ ngon:
- Đơn vị tổ chức thực hiện:
+ Công ty TNHH Đông Nam Media phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện.
+ Công ty TNHH Đông Nam Media chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng đề án/kế hoạch chi tiết (nội dung, kinh phí, thời gian, lộ trình, phân công nhiệm vụ thực hiện, thiết kế gian hàng tiêu chuẩn, sơ đồ khu vực gian hàng theo từng lĩnh vực,…) trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 12/4/2018 (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư).
- Kinh phí thực hiện:
+ Tổng kinh phí dự kiến: 3,6 tỷ đồng (ba tỷ sáu trăm triệu đồng).
+ Nguồn kinh phí: kinh phí xã hội hóa và kinh phí hợp pháp khác (hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
4. Hội thi “Trái Bơ ngon” lồng ghép với Hội chợ thương mại, kết nối cung cầu Bơ và các sản phẩm nông nghiệp:
- Khai mạc: Vào lúc 08 giờ 00, thứ Bảy, ngày 21/7/2018.
- Quy mô: cấp tỉnh, các huyện, thị xã Gia Nghĩa, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tỉnh Đắk Nông; mời các tỉnh, thành có trồng bơ tham dự.
- Địa điểm: Đảo nổi Hồ Gia Nghĩa, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
- Đơn vị chủ trì: UBND tỉnh
- Đơn vị thực hiện:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng đề án/kế hoạch chi tiết (nội dung, Điều lệ cuộc thi, tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng bơ, kinh phí, thời gian, lộ trình, phân công nhiệm vụ thực hiện,…) trình UBND tỉnh trước ngày 12/4/2018 (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 20/4/2018.
- Kinh phí thực hiện:
+ Tổng kinh phí dự kiến: 23.370.000 đồng (hai mươi ba triệu ba trăm bảy mươi ngàn đồng)
+ Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước.
- Nội dung:
+ Các huyện, thị xã và một số doanh nghiệp, nông hộ mang sản phẩm tham gia Hội thi Trái Bơ ngon.
+ Ban Giám khảo tổ chức đánh giá, chấm điểm các sản phẩm mang tham gia Hội thi.
+ Công bố kết quả Hội thi.