Chuyên đề

Đề án PCI

Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 – 2020
Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 – 2020

Ngày 24/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 475/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 – 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư xin trích dẫn một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cải năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 -2020 như sau:

Để có thể đưa ra được những giải pháp hợp lý, khả thi, trước hết cần phải thống nhất một số điểm sau:

- Đối tượng có thể tham gia “chấm điểm” năng lực điều hành của chính quyền địa phương là những DN dân doanh được thành lập hợp pháp và đã hoạt động tại địa phương ít nhất 2 năm để có thể hiểu biết về địa phương (theo danh sách của ngành thuế)

- Các DN này “chấm điểm” dựa vào sự cảm nhận của mình về MTKD của tỉnh qua những trải nghiệm thực tế của họ, thông qua việc trả lờiPhiếu khảo sát. Do vậy, nếu DN hài lòng về việc chính quyềngiải quyết các TTHC cho DN cũng như hỗ trợ DN nhanh chóng và hiệu quả khi gặp khó khăn, vướng mắc thì DN sẽ cho điểm tốt và ngược lại. Vì vậy, tất cả những gì mà các cơ quan chính quyền thực hiện đem lại sự hài lòng cho DN thì đó chính là những giải pháp, những hoạt động cần thực hiện.

- Phần lớn những quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành là nhằm tạo MTKD thuận lợi cho sự ra đời và hoạt động của các DN nên khi địa phương làm đúng những quy định đó thì sẽ vừa tuân thủ, chấp hành tốt pháp luật (Yêu cầu bắt buộc) vừa  tạo ra một MTKD thuận lợi, thông thoáng, thân thiện và an toàn cho các DN và khi đó chính quyền địa phương sẽ thực sự làm hài lòng các DN.

- Cải cách TTHC là công việc thường xuyên, liên tục và phải hành động một cách kiên trì. Tuyệt đối không làm một cách hình thức, phong trào, làm cho có để báo cáo.

- Cải cách hành chính, cải thiện MTKD không phải là công việc của chỉ một số cơ quan, đơn vị mà là của mọi cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh. Vì vậy, cần thực hiện công việc này ở mọi nơi và thực hiện một cách đồng bộ.

- Cải cách TTHC, cải thiện MTKD trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị không phải là công việc mới được cấp trên giao thêm mà là công việc đương nhiên mà cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị phải thực hiện.

- Khu vực kinh tế tư nhân là đại diện là các DN dân doanh là động lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tránh việc coi nhẹ các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân, so với các DN FDI hoặc DN nhà nước tại tỉnh.

- Việc đưa ra những ưu đãi, khuyến khích đầu tư hoặc thành lập DN ban đầu là cần thiết, nhưng các nhà đầu tư và DN cần sự đồng hành của chính quyền trong cả quá trình “hậu đăng ký” và “hậu cấp phép”. Tránh tình trạng để các DN đã đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh thấy bị “bỏ rơi” sau những lễ trao giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký DN.

Trong các phần trên, nhóm nghiên cứu đã nêu ra và phân tích từng chỉ số thành phần của PCI tỉnh năm 2015; đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả xếp hạng PCI của tỉnh không được như mong muốn; đã nêu ra các đánh giá của DN về từng chỉ số thành phần và đánh giá về công tác hỗ trợ DN của tỉnh cùng những mong muốn của các DN; đã giới thiệu một số thực tiễn tốt về cải thiện MTKD của các tỉnh/ thành khác và của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh… Tất cả các nội dung trên đều là những thông tin hữu ích có thể tham khảo để đề ra các giải pháp nhằm cải thiện MTKD, CCHC cho tỉnh. Trong phạm vi Đề án này, do nguồn lực của địa phương có giới hạn, nhóm nghiên cứu chỉ xin được đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Tổ chức bộ máy và công tác cán bộ:

Củng cố Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh theo Quyết định số 1428/QĐ-UBND, ngày 22/8/2016 và sớm ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Kiện toàn, tăng cường tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo theo hướng nâng cao vai trò 3 cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Sở Kế hoạch Đầu tư do Lãnh đạo Văn phòng làm tổ trưởng.Tăng cường sự tham gia của các hiệp hội DN trong hoạt động của Ban Chỉ đạo (dưới hình thức tham dự các cuộc họp, nếu như không thể tham gia cơ cấu cứng).Cấp trưởng các sở ngành phải tham gia vào Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh.

Khi tuyển dụng, bố trí cán bộ công chức, ngoài khả năng chuyên môn cần chú trọng đến tư cách, đạo đức, kỹ năng giao tiếp nhất là khi bố trí vào những vị trí thường xuyên tiếp xúc với DN, dễ phát sinh tiêu cực. Chính cách xử lý công việc cho DN (tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết, trả lời, từ chối giải quyết và giải thích...) và thái độ ứng xử (thân thiện, niềm nỡ, mĩm cười, cởi mở, tôn trọng ...) khi tiếp xúc DN của cán bộ công chức sẽ quyết định DN có hài lòng hay không và đây là điều quan trọng nhất để cải thiện hình ảnh của chính quyền trong mắt DN.

Trong công tác cán bộ phải tuân thủ nguyên tắc “phải đảm bảo xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm” (NQ 35).

Đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức về vai trò của kinh tế tư nhân, của DNDD đối với sự phát triển kinh tế của địa phương sẽ làm thay đổi thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với DN. .

Thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức với sự đổi mới về nội dung và phương pháp đào tạo, theo hướng phù hợp với thực tiễn cải thiện MTKD tại tỉnh: kỹ năng tham vấn DN, kỹ năng tổ chức đối thoại hoặc những gì cụ thể liên quan tới công tác hỗ trợ DN. Trước mắt, tập trung đào tạo các cán bộ, công chức thường xuyên tiếp cận với DN.

Tập trung thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông thông qua Trung tâm Hành chính công tỉnh. Trong quá trình thực hiện cần theo dõi, điều chỉnh và hằng tháng có báo cáo ưu khuyết điểm, đề xuất để ngày càng hoàn thiện hơn.

-  Cần có một bộ phận tiếp nhận và giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN, cho phép tiếp nhận thông tin trực tiếp từ DN, tránh việc bị ách lại ở các sở ngành huyện thị. Hoàn thiện Cơ chế giải quyết vướng mắc cho DN trên địa bàn tỉnh theo hướng quy định về chế độ trách nhiệm và các hình thức khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức kinh tế và các hoạt động hỗ trợ tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh.

- Đối với công tác cán bộ, hiện nay tại một số tỉnh đã tiến hành việc thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo, có thể tiến hành việc này để tạo động lực mới tại tỉnh. Quan trọng trong công tác cán bộ, là phải minh bạch, công khai trong tuyển dụng và đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Có thể thí điểm việc này trong một số bộ phận liên quan nhiều tới DN như xúc tiến đầu tư…

Để TTHCC hoạt động thực sự hiệu quả, cần cân nhắc một số gợi ý sau: i) Chỉ nên đưa vào TTHCC những TTHC liên quan đến  DN để giảm tải số lượng người đến thực hiện các dịch vụ công;  ii) Ưu tiên đưa vào TTHCC những TTHC liên quan cùng lúc đến nhiều cơ quan để DN khỏi đi lại nhiều nơi tốn chi phí và thời gian;  iii) Chỉ đưa vào TTHCC những loại TTHC có số lượng giao dịch tương đối nhiều; iv) Lắp đặt camera tại TTHCC để giám sát hành vi của cán bộ, công chức và người đến liên hệ nhằm giảm tình trạng nhũng nhiễu, CPKCT.

Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần cải thiện phần lớn các chỉ số trong 10 chỉ số thành phần của PCI.

2. Công tác cải cách hành chính

Triển khai thực hiện tốt các quy định của các cơ quan Trung ương về cải cách TTHC; cải thiên, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được ban hành và đang có hiệu lực thi hành cũng như những quy định sẽ được tiếp tục ban hành trong thời gian tới.

Chuẩn hóa các TTHC liên quan đến các nhà đầu tư, các DN. Chủ động sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo hướng đơn giản hóa tối đa,

Cải thiện quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các DN. Hoàn thiện quy chế nội bộ về cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các sở ngành liên quan theo nguyên tắc đồng thuận giữa các sở, ban, ngành. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận, có nhiều ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành thì cơ quan chủ trì tổng hợp ý kiến, trình Ủy ban nhân dân tỉnh và phải đề xuất phương án giải quyết; Ý kiến của cán bộ, công chức do cơ quan phối hợp cử tham gia được xem là ý kiến của Thủ trưởng cơ quan đó; Trường hợp phối hợp bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, nếu quá thời hạn quy định tham gia ý kiến mà đơn vị phối hợp không có ý kiến trả lời thì được xem là đồng ý với ý kiến của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm liên đới với cơ quan chủ trì. Trong điều kiện thực tế của địa phương, chỉ nên tuân thủ những quy định tối thiểu của các cơ quan thẩm quyền, không nên “phấn đấu” đạt mức tốt hơn nhưng không khả thi để rồi lại vi phạm do không thực hiện được như về thời hạn giải quyết, mức độ ứng dụng CNTT...

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm là thực hiện tốt các TTHC tại TTHCC và tại một cửa liên thông các cơ quan hành chính.

- Trong công tác cải cách TTHC, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Thiết kế hệ thống để người làm thủ tục có thể đánh giá việc xử lý công việc của CBCC ngay khi nhận kết quả, theo hướng đơn giản, dễ sử dụng và thuận lợi. Hiện nay việc kiểm tra, giám sát và qui định nhà nước chỉ bắt đầu từ khi CBCC nhận hồ sơ đúng và đủ đến khi trả kết quả, trong khi chi phí thời gian và CPKCT phát sinh chủ yếu đối với các hồ sơ “không đúng và không đủ”. DN thấy phiền hà chủ yếu ở khâu trước khi nộp hồ sơ đúng và đủ như: hướng dẫn không đầy đủ, không chỉ tất cả các lỗi ở một lần... Tỉnh nên xem xét xây dựng qui trình giám sát thông qua CNTT từ khi DN hỏi thủ tục, hướng dẫn đến lúc trả kết quả. Trước mắt, nên xem xét bắt buột công chức khi đề nghị sửa đổi, bổ sung hồ sơ phải ghi ý kiến vào phiếu ghi ý kiến bổ sung, sửa đổi. Đề nghị này nhằm tránh việc yêu cầu bằng miệng, yêu cầu bổ sung nhiều lần và mỗi lần mỗi khác.

- Phổ biến, nhân rộng trong toàn tỉnh cách làm hay, thực tiễn tốt trong CCHC của các Sở, ngành địa phương trong tỉnh.

- Thường vụ tỉnh ủy có chỉ thị i) Cấm lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ký các công văn, giấy giới thiệu để các đơn vị, cá nhân đến xin tiền DN, ii) Khuyến nghị các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội hạn chế đến mức thấp nhất việc có công văn hoặc cử người đến xin tiền tại DN.

- Tiến hành nâng cấp hệ thống thiết bị và bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ để tiến tới giải quyết các TTHC liên quan đến DN ở mức độ 3 và 4.

Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần cải thiện các chỉ tiêu thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; Chi phí tiếp cận đất đai; CPKCT; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

3. Công tác thông tin và truyền thông

Tập trung nhân lực và tài lực để xây dựng trang thông tin điện tử của tỉnh www.daknong.gov.vn ngày càng hoàn thiện cả về hình thức, nội dung, tính thời sự, tính hữu ích, tính thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, tính tương tác với DN và công dân... Các trang web của các Sở ngành, huyện, thị chỉ đăng thông tin của ngành, địa phương mình. Không nên phân tán nguồn lực để dàn trải quá nhiều trang web gây tốn kém và khó cho DN khi cần tìm kiếm thông tin, phản hồi ý kiến... Qua các kênh phù hợp, phổ biến rộng rãi trang thông tin này đến các DN như truyền hình, báo, HHDN, phát hành tờ rơi giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng... Trang web cần có nội dung phong phú cho DN sử dụng: dữ liệu thống kê chi tiết về kinh tế-xã hội của tỉnh, thông tin chi tiết về các chương trình, nguồn lực hỗ trợ DN, về đấu thầu dự án, quyết định hành chính có liên quan tới DN, giới thiệu quy trình TTHC rõ ràng, dễ hiểu với những thí dụ cụ thể để DN dễ áp dụng…

Tập trung đăng tải các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của nhiều DN do UBND, các sở ngành ban hành trong một chuyên mục được mở trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh để DN dễ theo dõi, tra cứu. Thông tin đăng tải phải được tóm lược thông tin nào cần thiết cho DN, với việc giới thiệu vắn tắt một cách hấp dẫn, để thu hút DN đọc.

Cần quy định sau bao nhiêu ngày kể từ ngày ban hành các văn bản pháp luật, cơ quan ban hành có trách nhiệm phải gởi đến bộ phận quản lý trang thông tin điện tử của UBND tỉnh để được đăng tải và quy định văn bản sẽ chưa có hiệu lực thi hành nếu chưa được đăng tải trên trang web của UBND tỉnh để các cơ quan ban hành lo gởi sớm đến nhóm quản trị web.

Tuyên truyền, phổ biến những thông tin cần thiết đối với DN như các cơ chế, chính sách, các quy hoạch của Tỉnh, của địa phương và của ngành bằng nhiều phương thức, phương tiện phù hợp. Khi sử dụng hình thức báo đài không nên chỉ đăng tải trên báo đài địa phương mà nên tìm cách để thông tin DN cần được xuất hiện trên các báo đài khác.

Các tài liệu được sử dụng để tuyên truyền, phổ biến phải được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tập trung vào những nội dung cơ bản nhất mà DN cần phải biết và địa chỉ cơ quan, đơn vị liên hệ khi DN cần được giải thích, tư vấn kỷ hơn... Triển khai hệ thống điện tử cho tất các Sở ban ngành và UBND các huyện/thị xã. Tích hợp theo dõi, giám sát việc giải quyết TTHC, đánh giá sự hài lòng của người dân, DN trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh.Nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin của Lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp cải thiện chỉ tiêu: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Dịch vụ hỗ trợ DN; Tiếp cận đất đai; CPKCT; Chi phí thời gian...

4. Chấn chính công tác thanh tra, kiểm tra DN

Thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020:  “Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng” và trong trường hợp này phải có ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh.

Tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, thu thập và phân tích các dữ liệu thu thập được để đánh giá tình hình chấp hành, tuân thủ pháp luật của các DN. Qua đó, nếu thấy DN nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến thanh tra hoặc kiểm tra đột xuất. Trong công việc này, việc hợp tác chia sẻ dữ liệu về DN giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh là hết sức quan trọng. Nếu có sự phối hợp và chia sẻ dữ liệu tốt, chắc chắn các cơ quan nhà nước sẽ phát hiện những DN vi phạm pháp luật mà không phải thường xuyên thanh, kiểm tra DN như lâu nay, gây phiền phức, tốn kém cho những DN làm ăn chính đáng.

Việc thanh tra, kiểm tra nên hướng đến là nhằm hỗ trợ, hướng dẫn DN tuân thủ pháp luật tốt hơn là chính. Trừ trường hợp DN cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần, như vậy những trường hợp thanh kiểm tra thông thường sẽ tránh việc gây tâm lý tiêu cực cho DN.

Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần cải thiện phần lớn các chỉ số trong 10 chỉ số thành phần của PCI, đặc biệt là chỉ số CPKCT vì DN sẽ không bức xúc vì bị cán bộ, công chức đến quấy rầy, và tốn kém tiền bạc phải không.

5. Thu thập và xử lý các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN

- Thiết lập các kênh tiếp nhận ý kiến DN như Hộp thư DN trên trang thông tin điện tử của tỉnh; Số đường dây nóng của Sở Kế hoạch Đầu tư; Số di động của Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh… và thông báo để các DN biết. Phải công khai kết quả xử lý việc tiếp nhận qua website, báo đài.

Định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, huyện, thị với các DN trên địa bàn. Phải chuẩn bị tốt cho đối thoại từ khâu Thông báo mời đối thoại: Đối tượng mời, thông tin ghi trên giấy mời… để DN gởi ý kiến đến trước và bộ phận tổng hợp sẽ phân loại và chuyển đến các cơ quan liên quan để có thời gian chuẩn bị trả lời đến người chủ trì, người ghi biên bản.

Tạo điều kiện để các Hiệp hội DN tổ chức các hình thức gặp gỡ không chính thức như cà phê doanh nhân và lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở ngành, huyện thị đến dự và trao đổi, chuyện trò cởi mở với doanh nhân.

Điều quan trọng để lãnh đạo tỉnh nắm bắt được ý kiến của DN là phải nghiêm cấm mọi hình thức trù dập, gây khó khăn cho những DN có ý kiến; phải giải đáp, giải quyết, giải trình nếu không thể tiếp thu, giải quyết cho DN hiểu và thông cảm; phải tạo niềm tin với DN là tỉnh thật tâm muốn lắng nghe để điều chỉnh chính sách, hoạt động…tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển.

Mọi ý kiến của DN phải có cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm trả lời, giải quyết. Nếu cần có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thì phải có văn bản gởi cho DN sớm nói rõ thời gian sẽ trả lời và lý do chậm trể.

Thực hiện tốt việc lắng nghe và xử lý các ý kiến của DN sẽ góp phần cải thiện chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Cạnh tranh bình đẳng; Thiết chế pháp lý và dịch vụ hỗ trợ DN.

6. Thúc đẩy, tạo điều kiện hoạt động cho các Hiệp hội DN

Qua các hoạt động như là chiếc cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước, HHDN giúp chuyển tải các chủ trương, chính sách, hoạt động và mong muốn của lãnh đạo tỉnh đến DN; giúp giảm nhẹ các bức xúc, sự không hài lòng của DN đối với chính quyền.

Tỉnh cần có sự hỗ trợ tích cực để củng cố hai HHDN đã có ổn định lại tổ chức và tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, tỉnh nên có thêm một hiệp hội DN ngành nghề và nên chọn ngành nào có nhiều DN hoạt động nhất, có thể chọn ngành kinh doanh nông sản các loại. Tỉnh có thể hỗ trợ về giới thiệu nhân sự, về trụ sở làm việc và nhờ triển khai một số hoạt động như góp ý các văn bản quy pham pháp luật, đào tạo DN... và cấp kinh phí để HHDN thực hiện các công việc đó. Chính quyền tạo điều kiện để HHDN hoạt động nhưng không can thiệp vào công việc của HHDN, để HHDN thực sự là một tổ chức của DN, doanh nhân. 

7. Theo dõi, giám sát việc thực thi và công tác khen thưởng, kỷ luật

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, tập trung vào những cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Khuyến khích và bảo vệ các DN tố cáo những hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức qua đường dây nóng, qua các hộp thư được mở để tiếp nhận các tố cáo này.

Lãnh đạo tỉnh, sở ngành phải giảm những chỉ đạo cả bằng văn bản, cả bằng miệng đối với cấp dưới khi đã có quy định của pháp luật.

Phải xử lý nghiêm khắc các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà và đòi hỏi các CPKCT đối với DN, các nhà đầu tư. Sử dụng kết quả thanh, kiểm tra như là một trong các tiêu chí cơ bản đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và để xét thi đua, khen thưởng các sở, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan này. Những người vi phạm sẽ không được xem xét đề bạt các chức vụ trong một thời gian tùy theo mức độ vi phạm. Những cá nhân, cơ quan vi phạm sẽ phải bị nêu tên trên trang thông tin của Sở Nội vụ tỉnh để mọi công chức đều biết.

II. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Những việc kiến nghị triển khai ngay

Trên đây là 7 giải pháp mang tính lâu dài để cải thiện chỉ số PCI, trước mắt trong năm 2017, đề nghị UBND tỉnh triển khai một số việc sau:

1.1  Tập trung nguồn lực để cải thiện website của tỉnh.

1.2 Xây dựng qui chế chia sẻ thông tin, dữ liệu DN giữa các sở, ngành trong việc rà soát thông tin phục vụ công tác công tác thanh, kiểm tra DN.

1.3 Rà soát, đánh giá hoạt động của TTHCC để hoàn thiện dần.

1.4 Chỉ đạo các sở ngành xin lỗi DN đối với những trường hợp trễ hạn bằng văn bản, trong đó có nêu rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

1.5 Hỗ trợ thêm tiền xăng xe và tiền cước phí điện thoại lấy từ nguồn chi tiêu nội bộ của cơ quan cử cán bộ công chức làm việc tại TTHCC

1.6 Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và nếu phát hiện cơ quan, công chức nào vi phạm các quy chế đã ban hành thì phải xử lý kỷ luật nghiêm và thông tin rộng rãi để lấy lại niềm tin đối với DN, người dân.

1.7 Tổ giúp việc Ban chỉ đạo CCTTHC nên đánh giá việc lập kế hoạch hành động của các sở ngành, nếu không đạt yêu cầu làm lại.

1.8 Triển khai việc đăng ký mục tiêu cải thiện chỉ số PCI như phụ lục 7 để làm cơ sở giám sát, theo dõi, đánh giá kết quả của việc cải thiện chỉ số PCI.

1.9 Giao sở Nội vụ xây dựng qui chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết các vấn đề của/cho DN trong đó có các nội dung như đã đề cập ở giải pháp cải cách TTHC.

1.10 Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên có những động thái quyết liệt hơn bên cạnh việc ban hành những chỉ thị, văn bản đề nghị những ngành mà DN đánh giá hiện nay gây phiền hà nhiều: công an, thuế

1.11 Nhanh chóng củng cố hoạt động của HHDN tỉnh, nhất là công tác lựa chọn chủ tịch hiệp hội.

1.12 Xây dựng qui định bắt buộc công chức khi đề nghị sửa đổi, bổ sung hồ sơ phải ghi ý kiến vào phiếu ghi ý kiến bổ sung, sửa đổi ngay từ khi DN nộp hồ sơ lần đầu và công khai cho DN biết.

1.13 Quy trình hóa 100% TTHC liên quan đến DN, nhà đầu tư trên địa bàn tạo thuận lợi cho việc theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xác định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận liên quan.

1.14 Thiết lập hệ thống thông tin thống nhất về DN, về môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt cần thiết lập Tổng đài dịch vụ hành chính công của tỉnh đối với cộng đồng DN để tiếp nhận và giải đáp các vướng mắc về các quy định hành chính

 

Các bài viết khác

 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 190
ngày hôm nay 106
ngày hôm qua 4076
tuần này 18014
tất cả 276597